Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Lê Nhật Nam cho biết, sản xuất công nghiệp tại Bình Dương phát triển mạnh, thu hút khoảng 1 triệu lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Điều này đã tạo áp lực lớn đối với địa phương bởi sự gia tăng học sinh là con em công nhân lao động.
Để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, ngay từ đầu năm 2017, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương đã cùng với các địa phương và trường học các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung tu sửa, bổ sung trường, lớp. Bên cạnh đó, Bình Dương tuyển dụng bổ sung trên 1.400 viên chức; trong đó có trên 1.300 giáo viên nhằm đảm bảo công tác giảng dạy trong năm học mới 2017 - 2018 đạt hiệu quả cao nhất.
Năm học này, thị xã Thuận An (Bình Dương) tăng hơn 8.000 học sinh, cao nhất tỉnh, nên được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình trường mới với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Ngành giáo dục thị xã cũng đã thực hiện sửa chữa 8 công trình, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Các trường học trên địa bàn thị xã tự tiến hành sửa chữa, nâng cấp thường xuyên với tổng vốn trên 2 tỷ đồng…
Song song đó, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh thực hiện tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; trong đó đã tuyển được gần 300 học sinh vào trường THPT Chuyên Hùng Vương, trên 8.800 học sinh vào các trường THPT không chuyên.
Riêng đối với tuyển sinh lớp 1, tùy theo điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, ngành giáo dục mỗi huyện, thị, thành phố cũng đã kết hợp với Ban chỉ đạo Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường cân đối số lượng tuyển sinh trong các trường tiểu học, bảo đảm 100% trẻ 6 tuổi trong địa bàn được huy động ra lớp.
Đối với những địa phương có số học sinh là con em lao động ngoài tỉnh tăng cao, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã có phương án điều phối học sinh phù hợp, đảm bảo tất cả trẻ đến tuổi đều được đi học.