Bộ cũng yêu cầu cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Đối với thí sinh, sau khi biết điểm chuẩn đại học, nếu trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ hôm nay (24/8) đến trước 17 giờ ngày 8/9/2023.
Cùng với đó, mỗi trường đại học có kế hoạch nhập học riêng và sẽ gửi thông báo cho thí sinh qua email, số điện thoại hoặc giấy báo trúng tuyển. Vì vậy, sau khi xác nhận nhập học trên hệ thống, các em cần thường xuyên xem, kiểm tra email để biết thông tin tài khoản nhập học, thủ tục nhập học và làm theo hướng dẫn của các trường.
Khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học, thí sinh sẽ cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản sau: Giấy báo nhập học (bản chính); Sơ yếu lý lịch học sinh - sinh viên (hồ sơ trúng tuyển); Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông tạm thời (hoặc tương đương) đối với những thí sinh tốt nghiệp năm 2023; Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông (bản chính và bản sao công chứng) đối với những thí sinh tốt nghiệp trước năm 2023; Học bạ Trung học Phổ thông (bản sao công chứng và bản gốc để đối chiếu); Chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân (bản sao có công chứng), sổ đoàn viên; Bản sao Giấy khai sinh; Phiếu khám sức khỏe; Hồ sơ, giấy chứng nhận ưu đãi, ảnh thẻ 3×4. Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự và giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp đối với nam (bản sao).
Bên cạnh đó, với các thí sinh cần chứng minh đối tượng ưu tiên, các em cần chuẩn bị: Bản sao có chứng thực các giấy tờ pháp lý để xác nhận đối tượng ưu tiên (nếu có) như giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc cha mẹ.
Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối cơ hội học tập.
Với thí sinh không trúng tuyển đợt 1, các em có thể tham gia các đợt xét tuyển bổ sung nếu đủ điều kiện, theo thông báo trên trang tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Hiện nay, dù chưa hết thời gian công bố điểm chuẩn nhưng nhiều trường đại học đã thông báo xét tuyển bổ sung, có trường tuyển thêm hàng nghìn chỉ tiêu.
Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho 4 chương trình đào tạo, với tổng số 156 chỉ tiêu.
Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển sinh bổ sung các chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy năm 2023, với 2 phương thức là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 và xét hồ sơ năng lực thí sinh (đánh giá hồ sơ và phỏng vấn). Trong đó, ngành bổ sung nhiều chỉ tiêu nhất là Khoa học máy tính với 80 chỉ tiêu. Các ngành Nhật Bản học, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ thực phẩm và sức khỏe, Nông nghiệp thông minh và bền vững tuyển bổ sung 20-45 chỉ tiêu.
Trường Đại học FPT thông báo tuyển sinh bổ sung 1.900 chỉ tiêu các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc. Trong đó, Trường Đại học FPT Hà Nội tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu, Trường Đại học FPT phân hiệu TP Hồ Chí Minh tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu; Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu, Trường Đại học FPT phân hiệu Đà Nẵng tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu, Trường Đại học FPT phân hiệu Quy Nhơn tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu.
Hàng loạt các trường đại học khu vực phía Nam cũng thông báo xét tuyển bổ sung. Trong đó, Trường Đại học Văn Lang công bố xét tuyển thêm đến 3.000 chỉ tiêu các ngành (trừ ngành Quan hệ Công chúng, Truyền thông Đa phương tiện, Răng - Hàm - Mặt). Thí sinh được chọn 1 trong 3 phương thức để đăng ký xét tuyển, gồm: Xét điểm học bạ Trung học Phổ thông, xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.