Từ kinh nghiệm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, một phần nguyên nhân của việc gian lận điểm thi ở các tỉnh là do những người tham gia tổ chức kỳ thi vượt quá quyền hạn hoặc những người có trách nhiệm không thực hiện tốt vai trò của mình.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang đã xảy ra trường hợp 2 thanh tra bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ giám sát khâu quét bài thi.
Vì vậy, việc xây dựng một cẩm nang quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân tham gia tổ chức kỳ thi được xem là cần thiết trong mùa tuyển sinh này, với mục tiêu nâng cao nhận thức cho tất cả các thành phần, đối tượng tham gia vào kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia nhấn mạnh, từng khâu của kỳ thi như: Chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi... phải chọn đúng người tham gia vào các khâu. Đội ngũ làm công tác thanh tra phải được chịn lựa kỹ, có chuyên môn, nghiệp vụ sâu, tinh thần trách nhiệm cao; các đoàn thanh tra phải có cơ cấu gọn nhẹ; công tác thanh tra đảm bảo thực chất.
“Tất cả các khâu của kỳ thi phải thể hiện rõ vai trò của hoạt động thanh tra, giám sát. Có vấn đề gì đội ngũ này phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, công tác chuẩn bị thi và tuyển sinh năm 2019 đã được tiến hành tích cực trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh những năm trước đó, nhất là năm 2018.
Cụ thể, một số công việc đã được triển khai bao gồm: Hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm; đồng thời tổ chức tập huấn các phần mềm này; chuẩn bị ra đề thi; tổ chức đăng lý dự thi THPT quốc gia, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đáp ứng tiến độ và yêu cầu tổ chức thi; dự thảo phương án điều động các trường đại học, cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi.
Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi; thành lập Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia năm 2019; nhanh chóng hoàn thiện phần mềm thi, tuyển sinh; hoàn thiện phương án điều động các trường đại học, cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác thi, tuyển sinh; tăng cường truyền thông về thi và tuyển sinh.
Đối với khối trường sư phạm và trường sức khỏe, Bộ sẽ thành lập hội đồng điểm sàn để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành đào tạo này.
Theo Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019, Ban Chỉ đạo gồm 37 thành viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm Trưởng ban. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 32 thành viên.