Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các năm trước, dù thực hiện tuyển sinh trực tuyến, nhưng phụ huynh vẫn phải đến trường để đăng ký danh sách, khai báo dữ liệu. Còn năm nay, các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục đào tạo là cơ quan tham mưu thường trực cho ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để bố trí chỗ học cho học sinh, phụ huynh không phải tự đăng ký chỗ học.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, với cách thức tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, sẽ không có việc tuyển sinh trái tuyến, ngoài luồng, vì việc bố trí học sinh dựa trên nguyên tắc là học gần nhà, dựa từ cơ sở dữ liệu của ngành.
Để phục vụ cho tác tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến, học sinh lớp 1 và lớp 6 phải có mã định danh cá nhân; đối với học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 thì phải có căn cước công dân gắn chíp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề nghị nhà trường, phòng giáo dục phải rà soát lại cơ sở dữ liệu của học sinh để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn bằng trực tuyến.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng 28% học sinh, sinh từ năm 2004 đến 2008 chưa có căn cước công dân gắn chíp và còn khoảng 3.000 học sinh chưa có mã định danh.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với Công an Thành phố hỗ trợ các trường hợp học sinh chưa có thông tin, dữ liệu, đảm bảo tất cả học sinh trong độ tuổi quy định có mã định danh và căn cước công dân gắn chíp. Công tác làm căn cước công dân gắn chíp cho học sinh lớp 9 đảm bảo thực hiện trước ngày 15/5 để phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024.