Dù còn phải chờ kết quả thí sinh nhập học mới có thể đánh giá toàn diện, nhưng cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học cho rằng công tác tuyển sinh năm nay có những mặt thuận lợi, khó khăn nhất định khi quy trình tuyển sinh được điều chỉnh với nhiều điểm mới như áp dụng hình thức trực tuyến trong các khâu xét tuyển, thanh toán lệ phí, đến thực hiện xét tuyển chung cho các phương thức.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay, đặc biệt là thực hiện xét tuyển chung tất cả các phương thức tạo thuận tiện cho trường đại học và cả thí sinh. Thay vì phải tập trung lực lượng thực hiện và hỗ trợ thí sinh trong các khâu đăng ký xét tuyển, các trường chỉ tập trung vào khâu tư vấn thông tin cho thí sinh chọn ngành. Lợi ích lớn nhất là xét tuyển chung làm giảm bớt tỷ lệ trúng tuyển “ảo” vì các thí sinh đều đăng ký nguyện vọng trên cùng một hệ thống, xét tuyển cùng thời điểm.
“Như những năm trước, các trường đại học được tùy chỉnh tiến độ đào tạo, nhưng năm nay do xét tuyển chung các phương thức nên các trường đại học không chủ động trong khâu nhập học của tân sinh viên. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng lớn đến công tác, tiến độ đào tạo của trường” - ông Phạm Thái Sơn nhận định.
Ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc thực hiện xét tuyển chung năm nay tạo điều kiện tốt cho thí sinh, sau khi biết hết năng lực của mình (điểm học bạ, điểm thi...) theo các phương thức khác nhau, các em có thể chọn lựa theo nguyện vọng, năng lực của mình. Năm nay, quy trình kỹ thuật thực hiện các khâu xét tuyển được điều chỉnh theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và thực hiện hoàn toàn thông qua internet. Vì thế đòi hỏi sự cẩn trọng của thí sinh khi đăng ký xét tuyển, thí sinh phải nghiên cứu kỹ và khai báo chính xác các thông tin, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển nguyện vọng.
Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh năm nay, ông Lê Phan Quốc cho biết, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên của trường năm nay tăng so với năm trước. Có nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng, trong đó, chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho đào tạo ở một số ngành có giảm. Cùng với đó, Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tác động tích cực, thu hút được thí sinh đăng ký các ngành đào tạo giáo viên.
Còn ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, do có nhiều điều chỉnh trong quy trình tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên các trường đại học bị động trong công tác triển khai, tư vấn, hướng dẫn thí sinh. Năm nay, thời gian thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng cũng khá dài, trong hơn 1 tháng, điều này có ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch năm học của các trường đại học.
“Nếu hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo hoạt động tốt thì thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng chỉ nên thực hiện trong khoảng 15 - 20 ngày. Đồng thời, các công đoạn đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng và nộp lệ phí nên thực hiện trên hệ thống trong cùng khoảng thời gian chứ không nên tách ra nhiều giai đoạn. Đồng thời, năm tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch về công tác tuyển sinh sớm hơn, để các trường chủ động và thí sinh có thời gian nghiên cứu, hiểu rõ về quy trình tuyển sinh” - ông Phạm Doãn Nguyên đề xuất.
Nói về con số khoảng 1/3 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống, bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ (HUTECH) cho rằng, nhiều năm qua số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học khoảng 60 - 70% thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên tỷ lệ đăng ký nguyện vọng năm nay như vậy không phải là quá thấp. Thí sinh không xét tuyển đại học vẫn có nhiều lựa chọn như học cao đẳng, học nghề, lao động phổ thông, du học... Hơn nữa, năm nay dịch COVID-19 được kiểm soát nên việc du học dễ dàng hơn, số thí sinh chọn du học có thể cũng tăng cao. Quy chế năm nay có cập nhật nhiều điểm mới nên đòi hỏi công tác thông tin truyền thông tích cực, chủ động hơn so với các năm trước. Trường thông tin hướng dẫn đến thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển riêng của trường - không chỉ thông qua website, fanpage, mà còn thông qua tin nhắn SMS để đưa thông tin đến thí sinh một cách nhanh chóng, chính xác nhất.
“Nếu nói quy chế năm nay có cập nhật nhiều điểm mới, ảnh hưởng đến việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh thì việc gia hạn thời gian đăng ký nguyện vọng đã kịp thời hỗ trợ các em, giúp thí sinh chưa kịp đăng ký có thể hoàn thành việc đăng ký xét tuyển của mình. Thực tế, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học vẫn lớn hơn tổng chỉ tiêu của các trường đại học, nên nguồn tuyển vẫn sẽ dôi dư, các trường vẫn đủ điều kiện để đảm bảo công tác tuyển sinh. Hình thức đăng ký xét tuyển chung giúp hạn chế tình trạng thí sinh “ảo”, thí sinh trúng tuyển và nhập học đồng loạt cũng sẽ dễ dàng hơn trong tổ chức giảng dạy” - bà Nguyễn Thị Xuân Dung nhận định.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020 số thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270 em, năm 2021 là 794.739 em, năm 2022 số thí sinh nhập nguyện vọng trên hệ thống là 616.522 em. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm 20% so với năm trước, tuy nhiên chỉ giảm 3,4% so với năm 2020. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2021 tăng mạnh có nguyên nhân do dịch phức tạp nên nhiều em không thể đi du học. Phân tích của Bộ cũng cho thấy, điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học hầu hết ở mức thấp hơn điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.