Trường công lập vẫn còn chỉ tiêu
Không chỉ đại học ngoài công lập tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung, ngay sau khi kết thúc đợt 1, các trường đại học công lập cũng đã đăng tải thông tin xét tuyển bổ sung ở nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo.
Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải xét tuyển bổ sung 130 chỉ tiêu sử dụng kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia, đào tạo tại cơ sở Hà Nội. Cụ thể, các ngành nhận điểm hồ sơ xét tuyển từ mức điểm 14,5 gồm: Công nghệ kỹ thuật giao thông; Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật môi trường. Ngành nhận mức 15 điểm gồm: Khai thác vận tải. Từ mức 15,5 điểm, có các ngành: Công nghiệp kỹ thuật cơ khí, Điện tử - Viễn thông, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kinh tế xây dựng; mức 16 điểm là ngành Hệ thống thông tin.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải xét tuyển 195 chỉ tiêu bổ sung đào tạo tại các cơ sở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là từ 14 trở lên gồm các ngành: Công nghệ kỹ thuật cầu đường bộ, Công nghệ kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin, Kế toán doanh nghiệp, Kinh tế xây dựng, điện tử - viễn thông (riêng ngành này không xét tuyển bổ sung ở cơ sở Thái Nguyên). Ngoài ra, trường còn xét học bạ mỗi ngành 5 chỉ tiêu ở cả 2 cơ sở trên, với các tổ hợp tương tự xét từ kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia.
Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển bổ sung 36 ngành, mỗi ngành 30 chỉ tiêu, bằng cả 2 phương thức: Xét kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét kết quả học tập bậc Trung học Phổ thông. Với phương thức xét điểm thi, trường nhận thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành học theo tổ hợp môn xét tuyển, mức điểm nhận hồ sơ phần lớn các ngành học là 13. Các ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên chương trình tiên tiến; chương trình chất lượng cao các ngành công nghệ sinh học, công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, kỹ thuật cơ khí mức nhận hồ sơ xét tuyển 15 điểm.
Với phương thức xét kết quả học tập bậc Trung học Phổ thông, hầu hết các ngành đặt mức điểm xét tuyển là 15, trừ một số chương trình chất lượng cao xét từ 18 điểm, điểm tổng kết môn tiếng Anh năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên, gồm Công nghệ Sinh học, Công nghệ chế biến lâm sản, Lâm học, Kỹ thuật cơ khí.
Trường Đại học Thủy lợi xét tuyển bổ sung 12 ngành, căn cứ vào kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia, ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 14 với các ngành cụ thể gồm: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật tài nguyên nước, Thủy văn học, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Công nghiệp kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật hóa học, Công nghệ sinh học, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật xây dựng chương trình tiên tiến, Kỹ thuật tài nguyên nước chương trình tiên tiến.
Học viện Báo chí tuyên truyền xét tuyển bổ sung các ngành với số chỉ tiêu: Triết học (20 chỉ tiêu), Chủ nghĩa xã hội khoa học (20 chỉ tiêu), Kinh tế chính trị (20 chỉ tiêu), Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước (20 chỉ tiêu), Quản lý nhà nước (20 chỉ tiêu), Xã hội học (20 chỉ tiêu), Quản lý công (20 chỉ tiêu), Quản lý kinh tế (20 chỉ tiêu), Kinh tế và quản lý chương trình chất lượng cao (20 chỉ tiêu), Chính trị học phát triển (20 chỉ tiêu), Quản lý xã hội (20 chỉ tiêu), Tư tưởng Hồ Chí Minh (30 chỉ tiêu), Chính sách công (10 chỉ tiêu), Truyền thông chính sách (20 chỉ tiêu), Lịch sử Đảng (20 chỉ tiêu). Mức nhận hồ sơ là 15,5 điểm, mỗi ngành xét tuyển nhiều tổ hợp như Văn - Toán - Tiếng Anh, Văn - Toán - Khoa học Tự nhiên, Văn - Toán - Khoa học Xã hội, Văn - Sử - Địa, Văn - Sử - Toán, Văn - Sử - Tiếng Anh. Riêng ngành Lịch sử Đảng, điểm Lịch sử nhân hệ số 2.
Tuyển nhiều chỉ tiêu ngành Sư phạm
Với chủ trương cắt giảm chỉ tiêu ngành Sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng điểm sàn ngành sư phạm là 17 điểm (đối với đại học) và 15 điểm (đối với cao đẳng) để nâng cao chất lượng nên sau khi kết thúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, nhiều trường (nhất là các đại học tỉnh) tiếp tục bổ sung nhiều chỉ tiêu ngành sư phạm.
Trường Đại học Đồng Nai có 2 ngành hệ đại học và 4 ngành hệ cao đẳng đào tạo sư phạm không có thí sinh nào trúng tuyển, gồm: Sư phạm Lịch sử và Sinh học, mỗi ngành tuyển 20 chỉ tiêu. Trong khi đó, Sư phạm Vật lý tuyển 20 chỉ tiêu nhưng chỉ có 11 thí sinh trúng tuyển. Các ngành sư phạm bậc cao đẳng không có thí sinh nào trúng tuyển gồm: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học và Giáo dục thể chất (mỗi ngành 20 chỉ tiêu). Các ngành Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất khi tổ chức thi năng khiếu không có thí sinh nào đăng ký dự thi.
Tại Trường Đại học An Giang, 17 ngành sư phạm (đại học có 11 ngành, cao đẳng có 6 ngành) đều phải xét tuyển bổ sung. Các ngành phải tuyển bổ sung 100% gồm: Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Những ngành khác tuyển từ 5 - 10 chỉ tiêu. Ở hệ cao đẳng, ngành Sư phạm Âm nhạc và Giáo dục thể chất không có thí sinh nào trúng tuyển nguyện vọng 1, dù điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Với Trường Đại học Tây Nguyên, 4 ngành sư phạm phải tuyển bổ sung từ 50% - 100% gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tương tự, nhiều trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh cũng hy vọng vào đợt xét tuyển bổ sung này. Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận chỉ tuyển 3 ngành trong năm nay nhưng ngành Sư phạm Tin học không có thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, Sư phạm tiếng Anh có 10 thí sinh trúng tuyển. Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk có 7 ngành sư phạm, nhưng nhiều ngành chỉ có vài thí sinh trúng tuyển, như: Toán học 3; Tiếng Anh 3; Ngữ văn 3; Địa lý 2; Sinh học 1.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ ngày 22/8. Các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển. Các thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể theo dõi các thông tin về xét tuyển nguyện vọng bổ sung trên website của các trường để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, kịp thời nộp hồ sơ xét tuyển theo lịch tuyển sinh của các trường.