Trong mùa tuyển sinh năm 2021, cùng với phương thức xét kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông, phương thức xét học bạ được hầu hết các trường đại học áp dụng với chỉ tiêu tuyển sinh khá nhiều. Với riêng phương thức này, cách tính điểm cũng đa dạng, từ xét điểm học bạ 5 học kỳ, 6 học kỳ trung học phổ thông, các trường còn kết hợp xét học bạ với nhiều tiêu chí khác để tuyển được thí sinh phù hợp.
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 5 phương thức tuyển sinh, tùy mỗi ngành sẽ áp dụng phương án phù hợp với đặc thù từng ngành. Trong đó, hình thức xét học bạ cũng được chia thành nhiều phương thức khác nhau. Cùng với xét riêng điểm học bạ trung học phổ thông, trường còn kết hợp xét học bạ với thi năng khiếu để tuyển sinh cho một số ngành đặc thù như Giáo dục Thể chất và Giáo dục Mầm non. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên trường áp dụng xét học bạ kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt, để tuyển sinh 20% chỉ tiêu các ngành.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường thực hiện đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó xét học bạ kết hợp với thi năng khiếu hoặc thi đánh giá năng lực nhằm tuyển được thí sinh phù hợp với đặc thù ngành học. Đây là năm đầu tiên trường áp dụng phương thức xét học bạ kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt, do đó chỉ tuyển khoảng 20% chỉ tiêu bằng phương thức này. Dự kiến, những năm sau trường sẽ tăng dần chỉ tiêu và định hướng sớm để thí sinh chuẩn bị từ các lớp 10, 11.
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện 5 phương thức tuyển sinh; trong đó, có phương thức xét quá trình học tập bậc trung học phổ thông theo tổ hợp môn. Theo đó, để đăng ký xét tuyển, học sinh phải có điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển (tùy ngành) các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, từ 6,5 trở lên. Ngoài ra, trường còn kết hợp thêm nhiều tiêu chí khác để tính tổng điểm xét tuyển, gồm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải thưởng kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và học sinh trường chuyên, năng khiếu. Đây là các tiêu chí không bắt buộc, nhưng nếu thí sinh có thêm điểm từ các tiêu chí này sẽ lợi thế hơn trong xét tuyển.
Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh theo bốn phương thức, trong đó phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm từ 50-60% tổng chỉ tiêu, còn phương thức xét học bạ 5 học kỳ trung học phổ thông với khoảng 30-40% tổng chỉ tiêu.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thực hiện đa dạng phương thức tuyển sinh mang lại nhiều thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường. Các trường thực hiện nhiều phương án để tuyển đủ chỉ tiêu, tuyển được thí sinh phù hợp với từng ngành nghề đào tạo. Mặt khác, đa dạng phương thức giúp tăng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào những ngành yêu thích và phù hợp với năng lực. Hơn nữa, nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác trước sẽ giảm áp lực khi đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Có nhiều ý kiến còn băn khoăn sự chênh lệch về chất lượng đầu vào của các phương thức tuyển sinh, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau thì rõ ràng trình độ đầu vào của thí sinh khác nhau, tuy nhiên không quá khác biệt. Có thể đầu vào chưa thực sự tương đồng nhưng điều này không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học. Bởi tất cả các phương thức đều có một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà các trường phải tự xác định. Với hình thức xét tuyển học bạ, các em cũng đảm bảo đạt ngưỡng đầu vào mà các trường đã quy định mới trúng tuyển.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chất lượng đầu vào của các phương thức tuyển sinh là tương đồng. Nếu có chênh lệch giữa phương án xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với xét học bạ thì cũng không nhiều và chỉ ở những ngành, trường top trên có mức điểm cao như ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt... Mặt khác, chất lượng giáo dục cũng như công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông hiện nay cũng dần nâng lên. Các em học sinh đã chọn ngành nghề từ những năm lớp 10 và đầu tư học đều hơn các môn để xét tuyển.