Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cao về tầm quan trọng, sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân trước các tình huống thảm họa, sự cố có thể xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để đảm bảo hiệu quả của Luật sau khi được ban hành, cần nghiên cứu, rà soát các quy định có liên quan được quy định tại luật khác, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, tạo sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, bà Ung Thị Xuân Hương, đại diện Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu giảm nhẹ, khắc phục hậu quả của các sự cố, thảm họa và bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân là những vấn đề rất quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Chính vị vậy, các quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực phòng thủ dân sự rất cần được thể chế hóa thành văn bản luật, để nâng cao hiệu quả thực hiện trong lĩnh vực này.
Bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng, một số quy định tại Dự thảo Luật đang trùng lặp với những quy định của các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy... vì vậy cần rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là những nội dung được quy định cùng lúc ở nhiều văn bản để không chồng chéo, mâu thuẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.
Cũng có quan điểm tương tự, dưới góc nhìn thực tế của một cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần rà soát, chỉnh sửa thống nhất những quy định đang được nhiều luật chuyên ngành cùng điều chỉnh. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, cần có sự đồng bộ, thống nhất giữa Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong quy định về lập Quỹ Phòng thủ dân sự hay các vấn đề liên quan đến tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh.
Về nội dung xin ý kiến tại Tờ trình với 2 phương án, gồm phương án 1 quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự và phương án 2 không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án dự thảo Luật quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.
Các đại biểu cho rằng, việc quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh) là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố. Đồng thời, việc này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về phòng thủ dân sự, đặc biệt là các biện pháp hợp pháp, áp dụng được ngay khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Của, đại diện Hội Cựu Chiến binh TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự sẽ không đảm bảo tính toàn diện, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu thực tiễn. Việc thiếu các quy định về tình trạng khẩn cấp dẫn đến khi xẩy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự phải áp dụng nhiều văn bản, nhưng vẫn không đầy đủ quy định điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm khái niệm “Phòng thủ dân sự” trong Dự thảo luật vì lĩnh vực phòng thủ dân sự là rất rộng, được quy định ở nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Bảo vệ môi trường... Việc làm rõ, cụ thể các khái niệm liên quan sẽ tạo điều kiện giúp hoạt động áp dụng luật, thực hiện luật được dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo tính hiệu quả và thống nhất của hệ thống pháp luật trong đời sống xã hội.
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 77 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động phòng thủ dân sự và những nội dung liên quan.
Nội dung các điều luật trong Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có sự liên quan đến rất nhiều quy định của Hiến pháp, các bộ luật, luật và văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực.