Sự kiện thu hút đông đảo các thành viên của 12 cơ quan đại diện nước ngoài tại Thành phố gồm: Anh, Australia, Belarus, Campuchia, Cuba, Hungary, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đồng loạt vào bếp nấu món Phở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bếp trưởng Hội đầu bếp thành phố. Mỗi cơ quan đại diện nước ngoài là một đội gồm 3 - 4 thành viên là lãnh đạo, cán bộ nhân viên đang làm việc ở các lãnh sự quán, cơ quan đại diện nước ngoài tự tay thực hiện nấu 3 món Phở gồm: Phở bò, Phở cừu và Phở chay.
Để đảm bảo cho việc nấu Phở ngon nhất, Ban Tổ chức bố trí bàn nấu ăn với đầy đủ các dụng cụ cần thiết cùng các nguyên liệu thực hành theo từng hương vị riêng biệt; đồng thời giới thiệu nét văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, món Phở truyền thống nói riêng; khuyến khích tính sáng tạo, sự chuẩn bị thêm đa dạng các nguyên liệu để món Phở có thêm nhiều hương vị phong phú...
Theo bà Phạm Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các thành viên đang hoạt động ở cơ quan đại diện nước ngoài tại Thành phố đều biết đến món Phở và đã từng ăn Phở rất ngon. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của sự kiện, chính những người tham gia tự nay nấu và chế biến món Phở dưới sự hướng dẫn của đầu bếp Việt chuyên nghiệp mới là điều thú vị và càng thú vị hơn khi các thành viên tham dự đã biết kết hợp những nguyên liệu, hương liệu từ quốc gia của mình để tạo sự hòa quyện thành hương vị khá thú vị và đặc trưng riêng biệt của món Phở.
“Có thể nói, “Lớp học nấu Phở dành cho Lãnh sự đoàn các nước tại Thành phố Hồ Chí Minh - năm 2023” là một hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa ẩm thực món ngon đặc trưng Phở Việt Nam; là dịp để các cơ quan đại diện nước ngoài cùng gia đình tham gia sân chơi khám phá và lan tỏa những nét văn hóa tinh hoa ẩm thực, bí quyết làm món Phở ngon ra cộng đồng quốc tế.
Sự kiện còn là hoạt động hưởng ứng ngày Phở Việt Nam (12/12) thông qua việc các cơ quan ngoại giao trên địa bàn thành phố cùng vào bếp nấu, chế biến để giới thiệu món Phở cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp qua đó góp thúc đẩy ngoại giao văn hóa, quảng bá về món Phở Việt và cả du lịch Việt nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng”, bà Phạm Trần Thanh Thảo chia sẻ.
Thưởng thức món Phở lần đầu tiên vào năm 2013 tại Thủ đô Hà Nội, ông Ruslan Varankou, Tổng Lãnh Sự quán Belarus tại Thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận hương vị đặc biệt khó quên và kể từ đó rất yêu thích món Phở Việt. “Tuy nhiên, tại lần nấu, chế biến món Phở này, tôi thêm vào đó là quả Nam Việt Quất (sấy khô), món hoa quả truyền thống của Belarus với vị chua - ngọt để không chỉ gia tăng hương vị đậm đà của món Phở, kết nối giữa hương vị hai nước mà còn để kết chặt tình cảm, quan hệ hợp tác mà hai nước đã trân trọng dành cho nhau”, Tổng Lãnh Sự quán Belarus Ruslan Varankou chia sẻ.
Theo ông Ruslan Varankou, khó nhất của việc nấu Phở là ninh, hầm xương trong suốt 8 giờ, ngoài ra các nguyên liệu và nhất là rau xanh cũng là vấn đề rất khó tìm ở Belarus. Tuy nhiên, từ việc học và biết nấu món Phở hôm nay, ông Ruslan Varankou cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện đế ít nhất nấu được món Phở Việt Nam cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng thưởng thức…
Khái quát về món Phở Việt Nam, bà Nguyễn Ánh Mỹ Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn tiếp tục lan tỏa những sân chơi ẩm thực Việt Nam dành cho các cơ quan ngoại giao trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, dự kiến trong thời gian tới sẽ kết nối với Sở Ngoại vụ Thành phố, Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố tổ chức các sự kiện lớp học, hội thi chế biến các sản phẩm truyền thống Việt Nam như: Hủ Tíu, Mì Quảng, Bánh Xèo, Cơm Tấm… để các nhà hoạt động ngoại giao tự tay nấu, chế biến và cảm nhận hương vị đặc trưng khi ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi hoàn thành khóa học nấu Phở, các cơ quan Lãnh sự đoàn đã nhận giấy chứng nhận và cùng giao lưu thưởng thức món Phở; tham quan trưng bày hình ảnh, giới thiệu và phục vụ miễn phí các món ăn tại sự kiện.