3 chính sách an sinh xã hội có hiệu lực từ 1/6

Từ 1/6/2017, có 3 chính sách liên quan đến an sinh xã hội và quyền lợi của nhiều người; gồm: điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); danh mục, tỉ lệ thanh toán vật tư khám chữa bệnh với đối tượng có thẻ BHYT; quy định về mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh đối tượng không có thẻ BHYT:


Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước có hiệu lực thi hành và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp (gọi tắt là Thông tư 02/2017/TT-BYT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2017.


Theo đó, từ ngày 1/6/2017,  người dân chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh phải chi trả mức viện phí tăng từ 2 đến 8 lần so với mức chi trả như hiện nay.


Nhóm chịu tác động nhiều nhất là nhóm giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong các nhóm dịch vụ này, nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị là nhóm có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 8 lần so với giá hiện tại đang áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT.


Cụ thể, tiền khám bệnh: tăng gấp 8 lần ở Phòng khám Đa khoa khu vực, trạm y tế xã (từ 3.500 đồng lên 29.000 đồng; tăng gấp 4 lần ở bệnh viện hạng III (từ 7.000 đồng lên 31.000 đồng), tăng 3 lần ở bệnh viện hạng II (từ 11.000 đồng lên 35.000 đồng); giá ngày giường nội khoa bệnh viện hạng III tăng từ 35.000 đồng lên 149.800đồng, giá ngày giường nội khoa bệnh viện hạng II tăng từ 45.000 đồng lên 178.500 đồng.


Theo đó, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho trên 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2 - 8 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.


Danh mục, tỉ lệ thanh toán vật tư khám chữa bệnh với đối tượng có thẻ BHYT:


Thông tư 04/2017/TT-BYT có hiệu lực từ 1/6/2017, ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.


Theo đó, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở.


Ví dụ, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật tại thời điểm tháng lương cơ sở bằng 1.210.000 đồng, cụ thể như sau:


Trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật = 45 x 100% x 1.210.000 = 54.450.000 đồng;


Trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có mức hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục trên 5 năm: Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật = 45 x 95% x 1.210.000 = 51.727.500 đồng...


Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp:


Nghị định 44/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành quy định tỉ lệ đóng 0,5 % của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2017.


Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:


0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.


0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.


Đối tượng tham gia điều chỉnh mức đóng như trên gồm: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác…


XC (tổng hợp)/Báo Tin Tức
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo nêu liên quan đến mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và sửa dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN