Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, Trung tâm đã góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, tiếp thêm nghị lực để thương, bệnh binh nặng vươn lên sống vui, sống khỏe.
Tại Khoa Quản lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và người có công, không gian sống xanh, thoáng đãng, mát mẻ. Những khoảng đất trống nay được phủ đầy bởi những vạt hoa đang đua nhau khoe sắc. Trong khu vườn nhỏ, các cán bộ cùng với những thương bệnh binh đang miệt mài làm việc, người cuốc đất, người trồng rau, người nhổ cỏ, tưới rau và trò chuyện rôm rả, không khí gần gũi như một gia đình…
Hai dãy nhà cấp 4 được chia làm nhiều phòng nhỏ, là nơi sinh sống của hơn 40 thương, bệnh binh nặng và người có công, được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Mỗi phòng rộng chừng hơn 20m2, có nhà vệ sinh khép kín, được trang bị đầy đủ điều hòa, quạt các loại. Sau giờ thăm khám, uống thuốc, phục hồi chức năng… dưới những tán cây rợp bóng mát, các thương, bệnh binh quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ về cuộc sống, sức khỏe… Không khí thật ấm cúng, chân tình…
Là vợ liệt sỹ, hơn 11 năm gắn bó tại Trung tâm, bà Nguyễn Thị Bông (ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã coi Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa như mái nhà thứ 2, các cán bộ, y bác sỹ như người thân của mình. Nay đã bước sang tuổi 80, bà thực sự cảm thấy hạnh phúc và yên tâm dưỡng già tại mái ấm này.
Bà Bông xúc động cho biết, năm 1962, bà lập gia đình. Ở với nhau được 4 ngày, chồng bà có lệnh nhập ngũ. Bốn năm sau, bà nhận được tin chồng hy sinh ngoài chiến trường. Từ đó, bà ở vậy thờ chồng. Năm 2009, khi sức khỏe yếu dần, không con cái, sống một mình, bà quyết định vào Trung tâm.
"Ở đây, hàng ngày, tôi những người bạn già cùng cảnh ngộ trò chuyện tâm giao; được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Người già nhiều bệnh, bản thân tôi bị bệnh tim nên nhiều khi đột ngột ngất xỉu. Khi tỉnh lại, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là những y, bác sỹ tại Trung tâm đang túc trực, chăm sóc thuốc thang tận tình. Trung tâm đã là nhà và cán bộ nơi đây như con cái ruột thịt. Tôi rất yên tâm khi dưỡng già tại Trung tâm này”- Bà Nguyễn Thị Bông chia sẻ.
Trong căn phòng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bệnh binh Trần Thị Súy (quê xã Nga Trường, huyện Nga Sơn) đã chia sẻ cơ duyên bà đã đến đây và gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa hơn 35 năm qua.
Tháng 7/19, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Súy lên đường nhập ngũ và được phân công về Đoàn 296, Cục Hậu cần, Tổng cục Hậu cần. Vào đơn vị, bà được phân công chịu trách nhiệm nhiên liệu cho máy bay, xe tăng, tàu thủy… Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, bà bị nhiễm độc chì nặng. Tháng 1/1983, bà xuất ngũ trở về quê hương. Do di chứng chiến tranh, bà đã mất hoàn toàn khả năng làm mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà không lập gia đình. Do sức khỏe yếu, tháng 12/1984, bà chuyển vào sống tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa.
“Ngày mới vào Trung tâm, tôi ốm yếu lắm, chỉ được hơn 30kg. Được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của các y bác sỹ, điều dưỡng, đến nay tôi đã tăng cân, sức khỏe được cải thiện từng ngày. Ở đây, các cán bộ chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Mỗi lần vết thương tái phát, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, tôi luôn có sự đồng hành chăm sóc của các y bác sỹ trong Trung tâm…”, bà Súy cho biết.
Cũng như bà Bông, bà Súy, gần 40 năm qua, thương binh Nguyễn Quốc Tuynh, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã coi Trung tâm Điều dưỡng người có công như mái nhà thứ 2 của mình. Dù đã bỏ lại chiến trường một phần cơ thế là cánh tay trái và đôi mắt, nhưng đối với ông, từng con đường, lối đi, từng căn phòng tại Trung tâm đã trở nên quen thuộc. Ở đây, được chăm sóc, sẻ chia, ông rất yên tâm khi gửi gắm quãng đời còn lại nơi đây.
Trưởng Khoa Quản lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và người có công Trịnh Văn Cường cho biết: Hiện tại, Khoa đang trực tiếp quản lý và điều trị hơn 40 thương binh, bệnh binh nặng. Hầu hết các bác đều có thương tật và di chứng nặng cho chiến tranh để lại. Ngoài những bệnh lý nền, do tuổi cao sức yếu, tất cả các thương bệnh binh đang điều trị tại Khoa đều có những bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Công tác chăm sóc, chế độ ăn và phác đồ điều trị gặp nhiều khó khăn. Bằng tình cảm và trách nhiệm, các nhân viên của Trung tâm luôn cố gắng hết sức để các bác luôn cảm thấy thoải mái nhất.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa cho biết: Hiện Trung tâm đang quản lý 236 người có công với cách mạng, trong đó có 41 thương binh, bệnh binh nặng có bệnh lý tổng hợp; 29 người là vợ liệt sỹ già cả cô đơn; 71 thương bệnh binh tâm thần mãn tính nặng; 90 nạn nhân nhiễm chất độc da cam... Tình hình thương tật, bệnh tật của các đối tượng chính sách đa dạng, phức tạp; nhiều thương, bệnh binh bị tâm thần. Trung tâm thường xuyên có từ 9-13 nhân viên chăm sóc, phục vụ những thương binh, bệnh binh vết thương và bệnh tật, bệnh lý tái phát, phải đi các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương chữa bệnh.
“Thời gian tới, chúng tôi mong ngành chức năng hỗ trợ đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho Trung tâm; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nạn nhân chất độc da cam, thân nhân liệt sỹ già cả cô đơn, con liệt sỹ tật nguyền... Đó là nguồn cổ vũ, động viên để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho tất cả các đối tượng trong Trung tâm ngày càng tốt hơn”, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa chia sẻ.