Theo kế hoạch và lời hứa với dân làng, dẫu trời mưa, đoàn từ thiện vẫn quyết định lên đường. Không diễn tả được sự nguy hiểm, gian nan khi bước chân trên những đoạn đường chênh vênh đầy sỏi đá, bùn đất bết dính lầy lội, đoàn từ thiện vẫn mạo hiểm với niềm tin những bộ quần áo mới đang cõng trên lưng sẽ sưởi ấm cho hàng chục trẻ nhỏ trên đỉnh núi cheo leo, cô lập trước khí đông Tây Nguyên lạnh giá đang ùa về.
Các bạn học sinh nhóm thiện nguyện Fly to Sky mỗi người cõng một thùng hàng trên lưng, vững bước hướng về phía làng Đê Kôn, nơi đó có hơn 50 hộ dân đang mong ngóng. Các bạn hiện là những học sinh tại các trường cấp 3 trên địa bàn, với lòng đam mê công tác thiện nguyện cùng sức trẻ, nhiệt huyết và tình người, khiến cho đoạn đường gian nan phía trước không còn là rào cản. Đi cùng nhóm Fly to Sky còn có một đoàn từ thiện khác tại địa phương kết hợp chuyến đi này để khảo sát địa hình, sắp tới sẽ triển khai làm sân bê tông tại điểm trường cho học sinh tiểu học.
"Mặc dù đã được chính quyền địa phương hỗ trợ cán bộ dẫn đường, nhưng cung đường 4 km đường đèo sạt lở hoàn toàn không còn lối đi, chúng em phải men theo dấu chân người của dân làng đi trước đó để định hướng. Từng bước chân ghì chặt xuống nền đất trơn trợt, đôi lúc ngước nhìn lên trên núi, từng tảng đất, đá đã bị xói mòn bởi mưa lũ có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Mất gần 2 tiếng đi bộ ngược đèo, cuối cùng chúng em đã đến làng Đê Kôn, bao mệt mỏi dường như tan biến. Trong mắt người dân làng Đê Kôn, chúng em thật khác người", em Lê Văn Phúc, trưởng nhóm thiện nguyện Fly to Sky cho biết.
Em Lê Văn Phúc, trưởng nhóm thiện nguyện Fly to Sky cho biết, sau khi đọc bài về cuộc sống khó khăn, cô lập của dân làng Đê Kôn do TTXVN phản ánh, đây là lần thứ hai chúng em trở lại làng Đê Kôn để làm thiện nguyện. Lần trước, nhiều bạn cũng đã đi bộ, cõng từng tấm gỗ, thùng sách, bình lọc nước để làm tủ sách, bình nước sạch cho 2 điểm trường tại làng Đê Kôn. Lần này, các bạn mang thêm áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh tại làng.
Anh Klưnh, trưởng thôn (làng) Đê Kôn chia sẻ: "Từ trước đến nay, không có đoàn từ thiện nào về làng để cho áo ấm, sách vở hay nước uống, vì đường lên làng quá nguy hiểm, ít ai biết có sự tồn tại của người dân trên núi này. Từ khi có phóng viên TTXVN đến viết bài, có vài đoàn từ thiện về cho bánh kẹo, quần áo, sách vở cho trẻ em. Hiện, mong ước lớn nhất của dân làng Đê Kôn là có đường đi, nối làng Đê Kôn với thế giới bên ngoài để bà con bớt khó khăn, vất vả, để con em trong làng có thể xuống núi học hành, xây dựng, phát triển buôn làng".
Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến thiện nguyện là những cán bộ xã Hra cũng có chung mong mỏi về con đường nối trung tâm xã với làng Đê Kôn. Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hra, huyện Mang Yang (Gia Lai), cho biết, hiện cuộc sống của hơn 50 hộ dân tại làng Đê Kôn rất khó khăn, thiếu thốn. Vài tháng trở lại đây, có một số đoàn từ thiện đến hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con và được sự quan tâm của các cấp, UBND tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch thi công con đường về làng Đê Kôn.
Trời trút mưa nặng hạt, đoàn chúng tôi được bà con cảnh báo phải xuống núi gấp, bởi nếu để dứt mưa, đường thêm trơn trượt và nguy cơ sạt lở cao. Con đường ngập nước và bùn đất, có những đoạn phải trượt dài theo sống lưng trâu chứ không thể bước đi. Trên tay mỗi người là một cây gậy để chống, phòng trơn ngã. Xuống núi tưởng dễ, thực chất khó hơn lúc đi lên. Đoàn người lần lượt ngã dúi dụi, lấm lem bùn đất, nhưng trong lòng ai cũng vui vì đã mang được những tấm áo ấm tặng các em nhỏ vùng cao trước mùa đông.
Mùa đông này, trẻ em làng Đê Kôn đã có áo ấm. Hình ảnh các em nhỏ làng Đê Kôn ngồi trong lớp học, đọc những cuốn truyện tranh, mặc những tấm áo ấm, uống cốc nước sạch do nhóm thiện nguyện Fly to Sky trao tặng làm ấm lòng những ai đã góp công sức cho chuyến thiện nguyện. Hy vọng, tỉnh Gia Lai sớm thi công con đường để kết nối làng Đê Kôn với thế giới bên ngoài, giúp bà con bớt khó khăn, cô lập và để những chuyến thiện nguyện bớt gian nan.