Ngày 18/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai. Hưởng ứng lời kêu gọi này, đến 17 giờ ngày 19/10, nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp hoặc qua tài khoản của Ban Cứu trợ tỉnh Nghệ An ủng hộ tiền và hàng hóa trị giá trên 846 triệu đồng. Đơn cử, Công ty Xăng dầu Nghệ An ủng hộ 100 triệu đồng; Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An ủng hộ 20 tấn gạo… Đến 15 giờ, ngày 20/10, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng vận động được trên 516 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ người dân vùng lũ lụt.
Ngoài ra, từ thông tin trên báo chí, đài phát thanh truyền hình và mạng xã hội, chứng kiến hình ảnh những làng quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập chìm trong nước, người dân đang bị cô lập nhiều ngày nay, một số tổ chức, cá nhân ở Nghệ An đã lập các nhóm Zalo, Facebook hoặc điện thoại trực tiếp cho nhau kêu gọi cùng chung tay, đóng góp, chia sẻ với người dân vùng lũ bằng các việc làm thiết thực.
Những dòng tin trên mạng xã hội: "Hội anh em xe cẩu thành phố Vinh, Nghệ An đang rảnh rỗi, chúng tôi nhận chở hàng cứu trợ miễn phí cho các tổ chức, cá nhân đến các vùng miền Trung bị lũ lụt. Chúng tôi có các loại xe từ 3,5 tấn đến 15 tấn sẵn sàng xông pha vào những nơi khó khăn nhất. Hãy gọi cho chúng tôi nếu các bạn cần" đã khiến nhiều người cảm động.
Nhiều người cuộc sống đang bộn bề khó khăn, hàng ngày phải mưu sinh vất vả nhưng vẫn có những hành động đẹp, cụ thể để ủng hộ người dân vùng lũ lụt. Chị Luyến Đặng chia sẻ: "Em sẽ bán bánh để từ thiện cho đồng bào lũ lụt. Số tiền kiếm được sẽ được gửi cho đoàn xe của bạn em mua lương thực cần thiết gửi cho bà con vùng lũ".
Nhằm chia sẻ với người dân vùng lũ, vợ chồng anh Trương Công Giáp, một doanh nhân ở xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc đã lập nhóm Zalo, kêu gọi 107 người là bạn bè, đồng nghiệp, anh em họ hàng tham gia. Số tiền gửi vào tài khoản cá nhân được anh cập nhật đầy đủ, công khai trong nhóm cùng với chương trình, kế hoạch đi cứu trợ. Đến nay, số tiền ủng hộ đã lên đến gần 200 triệu đồng. Vợ chồng anh đã trích 20 triệu đồng gửi tới người dân vùng lũ làng An Mô, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; phúng viếng, chia sẻ nỗi đau mất mát đến các gia đình liệt sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế); trao quà cứu trợ ở các xã ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế)… Vợ chồng anh đang tiếp tục kêu gọi, có kế hoạch đến những vùng ngập lụt, nơi có người dân bị thiệt hại để trao tiền và quà.
Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai phối hợp với nhóm thiện nguyện Hoàng Mai đang tổ chức quyên góp quần áo, cặp sách, giầy dép, nhu yếu phẩm, tiền bạc để vào tỉnh Quảng Trị chia sẻ với người dân vùng lũ. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay, thay vì hoạt động tọa đàm, liên hoan, gặp mặt vui vẻ như các năm, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức quyên góp, bàn phương án ủng hộ, chia sẻ với người dân vùng lũ. Chiều 20/10, Công đoàn Văn phòng HĐND tỉnh Nghệ An và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã phát động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Cảm động hơn, tại nhiều làng quê nghèo ở Nghệ An, mấy ngày qua, người dân đã gác lại công việc gia đình, thức trắng đêm để gói và nấu bánh chưng gửi theo xe vào cho người dân vùng lũ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ngay trong ngày 19/10, người dân hai xã Thanh Dương, Cát Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) mua 300 kg gạo nếp để gói bánh, trong ngày 20/10 nấu xong. Số bánh chưng này được chuyển đến vùng lũ tỉnh Quảng Bình.
Ở Nghệ An, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cũng tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh triển khai các biện pháp cứu hộ, khẩn cấp sơ tán người dân vùng nguy hiểm, bị cô lập ở thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Đội cứu hộ của Phòng còn chèo thuyền đến gia đình các hộ dân bị ngập nước để trao lương thực, thực phẩm, nước uống; hỗ trợ những gia đình và người dân bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn.
Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Lữ đoàn phòng không 283 (Quân khu 4) tổ chức chương trình "Bánh chưng xanh ấm lòng đồng bào vùng lũ"... Chỉ sau một đêm phát động và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cá nhân đã có trên 1,5 tấn nếp, 50 kg đậu, hàng chục ngàn lá dong phục vụ cho việc gói và nấu bánh chưng để chuyển vào cho người dân vùng lũ lụt.
Chia sẻ, hướng về người dân vũng lũ là nét đẹp nhiều đời nay của người dân Nghệ An. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng của lũ lụt trên địa bàn còn chưa khắc phục xong, người dân vùng lũ trong tỉnh cũng đang gặp bộn bề khó khăn. Tuy nhiên, người dân Nghệ An và nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong tỉnh đang có nhiều hành động, việc làm đẹp. Những nét đẹp này đang lan tỏa, góp phần quan trọng chia sẻ đau thương, mất mát với người dân vùng lũ miền Trung.