Những người may mắn còn sống trở về, giờ đây cũng đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Tuổi trẻ oanh liệt của họ là những năm tháng ở chiến trường, nơi mà sự sống và cái chết cách nhau chỉ trong gang tấc. Tinh thần thép ở chiến trường, tình người trong cuộc sống thời bình của những người lính luôn là tấm gương cho các thế hệ sau.
Anh trai tôi là Nguyễn Duy Hòa cũng là một trong những người lính may mắn còn sống và trở về. Anh là con thứ 2 của bố mẹ tôi, đang tuổi đi học, nhưng ngày ấy phong trào xung phong vào Nam đánh giặc lên cao, anh cùng bạn bè gác lại việc học hành để Nam tiến. Mẹ tôi kể, ngày tiễn anh đi bộ đội, mẹ dắt tay tôi tiễn anh ra đầu ngõ, lúc ấy tôi mới lẫm chẫm biết đi. Tiễn con đi mà không dám nghĩ có ngày gặp lại. Đó là đầu năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Đơn vị đầu tiên khi anh tôi nhập ngũ là D4 C5 E14, sau đó được chuyển sang đơn vị C10 D361 bộ binh thuộc Bộ tư lệnh B3. Cuối năm 1974 anh chuyển về đơn vị C2-D1 E25 thuộc Quân khu 5. Thời kỳ này cục diện chiến trường miền Nam có sự xoay chuyển rõ rệt. Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, kết thúc chiến tranh có cơ hội sớm hơn dự kiến.
Phương án tạo sự bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, thì từ đầu năm 1975, lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình thu hút được sự chú ý đối phó của địch ở Bắc Tây Nguyên. Ngày 4/3/1975, bộ đội ta chính thức nổ súng mở chiến dịch Tây Nguyên. Theo đó, bắt đầu từ ngày 4 đến 9/3/1975, quân ta đánh cắt giao thông trên các đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, chia cắt đường số 14 nhằm cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên, cô lập triệt để Buôn Ma Thuột.
Anh tôi kể, đúng 1 giờ 55 sáng 10/3/1975, cuộc tấn công như vũ bão vào các mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; 11 giờ 30 ta đánh chiếm tiểu khu 23 quân y và sư bộ 23 ngụy làm chủ khu truyền tin, các mũi thọc sâu vào trong căn cứ đầu não của địch ở trong thị xã Buôn Ma Thuột.
Trong ngày 11/3/1975, quân ta tiến công nhiều mục tiêu quan trọng, toàn bộ quân địch ở trong thị xã bị tiêu diệt, quân ta làm chủ các mục tiêu, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó 23 ngụy, chúng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Có thể thấy, sau khi mất Buôn Ma Thuột, đã gây ra một sự đột biến về chiến dịch, tác động lớn đến chiến lược của địch, buộc địch phải rút lui co cụm lại để phòng ngự.
Trong ký ức của anh trai tôi, không thể nào quên được giây phút thị xã xinh đẹp này được giài phóng, bởi vì thời điểm đó anh bị thương nặng phải nằm lại dưỡng thương ở Đắk Lắk mà không được sát cánh cùng đồng đội tham gia vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Như "có duyên" sâu đậm với mảnh đất Tây Nguyên này, một năm sau (năm 1976) khi vết thương đã lành, anh cắt phép về thăm quê rồi xin ra quân và quay trở lại công tác tại Đắk Lắk. Sở Văn hóa thông tin Tỉnh Đắk Lắk là đơn vị cuối cùng anh công tác cho đến tuổi nghỉ chế độ.
Ngày anh trở về, khỏi phải nói bố mẹ tôi đã hạnh phúc đến thế nào. Suốt cả mấy ngày nhà tôi tấp nập họ hàng khắp nói, bà con đến chúc mừng anh tôi vẫn còn sống, chúc mừng bố mẹ tôi may mắn. Một năm sau giải phóng không thấy con trai về, cũng không nhận được bất cứ thông tin gì, bố mẹ tôi đã héo hon vì có tin con của trai đã chết khi cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn, chưa làm báo tử được vì còn trục trặc về giấy tờ.
Ngày ấy dù còn nhỏ tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bố mẹ tôi đã khóc nức nở khi cả xóm tập trung tại nhà một bác hàng xóm để nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát đi Bản tin giải phóng miền Nam. Những năm sau giải phóng miền Nam, lâu lâu không thấy người về sẽ bị đồn thổi là đã hy sinh. Vì thực tế trong chiến tranh có người lính viết thư về cho gia đình, vừa gửi thư đi, ngày hôm sau đi chiến đấu thì hy sinh. Nửa năm sau nhận được thư con cùng một lúc với giấy báo tử.
Dạo ấy, mỗi lần anh Hai tôi ra Bắc, mỗi khi đồng đội của anh tôi hội ngộ, lũ trẻ con chúng tôi lại ngồi im thin thít nghe các anh kể chuyện đánh Mỹ. Qua câu chuyện của các anh, chúng tôi tưởng tượng ra bộ đội ta ngày đấy người nhỏ bé, gày nhom do thiếu ăn, hành quân xa thường xuyên phải xuyên rừng thiêng, nước độc, chiến đấu khốc liệt. Những trận phải đánh nhau giáp lá cà với địch, không ai biết trước được điều gì. Sống, chiến đấu cùng nhau, hôm nay còn, ngày mai đã chết, đồng đội đồng cam cộng khổ nên thương nhau không thể kể hết.
Cùng vào sinh ra tử nên tình đồng đội của những người lính Cụ Hồ luôn đặc biệt. Anh Hai tôi kể, đồng đội cũ quý nhau lắm. Ra quân từng đấy năm, mỗi người một ngành, một nghề, nhưng vẫn quan tâm giúp đỡ nhau. Đặc biệt trong đơn vị cũ, có một anh sau này là cán bộ ở vị trí quan trọng của Bộ Tài chính. Dù là quan chức nhưng không bao giờ có thái độ phân biệt sang hèn. Anh ấy luôn quan tâm giúp đỡ đồng đội cũ những khi gặp khó khăn hoạn nạn. Mỗi lần vào Nam công tác, hay các anh trong Nam ra Bắc thì mọi người đều gác hết công việc để được ngồi bên nhau hàn huyên. Cũng chính anh ấy là người tận tâm chăm lo sự nghiệp cho các con của đồng đội cũ rất vô tư cho đến ngày nghỉ hưu. Chất lính trong những người lính Cụ Hồ được được tôi rèn trong bom đạn, nên đa số nhân cách của họ đều làm ta phải phải kính nể. Thương vợ, chăm lo cho con cháu hết lòng, chân thành với bạn bè là đức tính nổi bật của những người lính bước ra từ chiến tranh.
Anh Hai tôi - người đã chăm lo cho tôi ăn học khi cha tôi mất sớm, giúp đỡ mọi người trong gia đình mà không tính thiệt hơn. Chất lính ấy làm tôi thương và càng kính trọng Anh hơn! Nhìn lại những bức ảnh các anh chụp ngày truyền thống của quân đội, đồng đội cũ gặp nhau qua các năm thấy người cứ vắng dần. Đa phần do sức khỏe mọi người đã yếu, vết thương cũ tái phát nặng hơn, có người đã khuất… nhưng mọi người vẫn cố gắng gặp nhau nhiều nhất khi có thể.
Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trôi qua gần nửa thế kỷ rồi. Những người lính cầm súng năm xưa trẻ nhất đến hôm nay cũng đã gần cái tuổi thất thập cổ lai hy. Chỉ mong chất thép, nghị lực sống trong con người các anh vẫn kiên cường để bước tiếp cái dốc cuộc đời ngày một cao thêm, mà hành trang mang theo chỉ còn lại tuổi tác, bệnh tật và những kỷ niệm oanh liệt của một thời tuổi trẻ. Thế hệ ấy bây giờ là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay và mai sau tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam.