Áp thấp nhiệt đới rất gần bờ, có khả năng mạnh lên thành bão

Dự báo áp thấp nhiệt đới rất gần bờ, có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển nhanh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng biển và đất liền nước ta từ ngày 23/9.

Chú thích ảnh
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.gov.vn

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Năng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về diễn biến, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới này có thể gây ra.

Xin ông cho biết hướng và diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới này?

Áp thấp nhiệt đới rất gần bờ, di chuyển nhanh. Vào 19 giờ ngày 22/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 500 km, cách bờ biển Bình Định khoảng 520 km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 700 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo, từ 19 giờ ngày 22/9 đến 7 giờ ngày 23/9, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 19 giờ ngày 23/9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 270 km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Từ tối và đêm 23/9, khu vực đất liền từ Quảng Trị đến Bình Định có gió giật mạnh cấp 6-8. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt. Từ ngày 24 - 25/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Xin ông nhận định về nguy cơ cơn áp thấp nhiệt đới này gây ra?

Chiều 22/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhưng chỉ ít giờ sau đó, bản tin 19 giờ ngày 22/9, Trung tâm đã ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, cấp độ cảnh báo cho cơn áp thấp nhiệt đới này tăng lên. Đặc biệt trong bản tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, Trung tâm đã nhấn mạnh đến khả năng cơn áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh lên thành bão.

Bên cạnh đó, với mức độ nguy hiểm khi cơn áp thấp nhiệt đới này rất gần bờ và di chuyển nhanh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng biển cũng như đất liền nước ta ngay chiều và đêm 23/9. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng công tác phòng, chống chủ động, kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới để giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Xin ông cho biết những cảnh báo tác động áp thấp nhiệt đới có khả năng xảy ra như thế nào?

Áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới và có hoàn lưu áp thấp rất rộng, đồng thời có khả năng di chuyển rất nhanh nên tác động đến vùng biển và ven bờ rất sớm. Do đó, các địa phương cần lưu ý khả năng mạnh lên thành bão của áp thấp nhiệt đới tương đối cao. Toàn bộ vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, có thể xuống tới tỉnh Khánh Hòa cần đề phòng khả năng có gió, bão mạnh gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 10, gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Các đảo ven bờ như Lý Sơn, Cồn Cỏ... ghi nhận gió mạnh cấp 6-7, có thời điểm lên cấp 8.

Đối với đất liền, cường độ gió không quá mạnh nhưng với mức độ gió giật có thể ghi nhận gió mạnh cấp 7-8, đồng thời, kéo theo đợt mưa tương đối lớn trên nền cơn bão số 5 vừa qua đổ bộ trực tiếp vào khu vực này gây mưa lớn cho toàn bộ khu vực này với lượng mưa 300-500 mm. 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây ra đợt mưa lớn tiếp theo trong 1,5 ngày, bắt đầu từ ngày 23/9, với tổng lượng mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 300mm trải dài từ phía Bắc khu vực Tây Nguyên mở rộng đến khu vực Bắc Trung Bộ. Mưa lớn diễn ra trong thời gian ngắn, nguy cơ rất cao về sạt lở đất, lũ quét khu vực vùng núi và ngập úng vùng trũng.

Trân trọng cảm ơn ông!

HL (TTXVN)
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN