Tham dự Hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701; đại diện lãnh đạo Học viện Quân y, Văn phòng 701, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Nhấn mạnh hội thảo là sự kiện góp phần vì môi trường, vì con người và phát triển, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học và của bom mìn được sử dụng trong chiến tranh vẫn đang ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn, sức khỏe của nhân dân, đến môi trường và sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ô nhiễm chất độc ở Việt Nam không chỉ có dioxin mà còn có nhiều chất độc khác, do nhiều quốc gia sử dụng ở Việt Nam, để lại hậu quả nặng nề. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đây là một trong những thách thức đối với quá trình triển khai thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam cũng như bảo vệ môi trường, sức khỏe cho nhân dân.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thiết thực, có hiệu quả trong việc khắc phục, xử lý hậu quả tồn lưu của bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh, trong đó có các hoạt động giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân và xử lý ô nhiễm môi trường.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, chuyên gia trong nước, quốc tế tham dự Hội thảo tập trung bám sát chủ đề, thảo luận về những nỗ lực của Việt Nam và quốc tế; các vấn đề khoa học - công nghệ trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin; xác định phương hướng, đề ra giải pháp xác định, thúc đẩy phương pháp khắc phục chất độc hóa học dioxin đối với sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái.
Đại tá Thân Thành Công, Chánh Văn phòng Văn phòng 701 thông tin, trong giai đoạn 1961 – 1971, khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ được phun rải xuống trên diện tích 2,63 triệu ha ở miền Nam Việt Nam. Trong đó, chất da cam chiếm khoảng 61% tổng chất diệt cỏ được sử dụng, với khoảng 366 kg dioxin.
Hơn 2 triệu ha rừng bị tác động ở nhiều mức khác nhau, gây thiệt hại tức thời hơn 90 triệu m3 gỗ, 150.000 ha rừng ngập mặn ở Nam bộ và nhiều hệ sinh thái rừng phong phú ở miền Nam Việt Nam bị ảnh hưởng. Bên cạnh các khu vực trực tiếp bị phun rải, các căn cứ quân sự do Quân đội Mỹ sử dụng để lưu trữ, pha trộn, truyền tải, tẩy rửa máy bay trước và sau các nhiệm vụ cũng bị ô nhiễm nặng nề chất độc hóa học/dioxin…
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức trong, ngoài nước đã nỗ lực phối hợp khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin. Trước tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất độc hóa học/dioxin và những rủi ro đối với sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa nội dung khắc phục hậu quả hóa học/dioxin vào các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030…
Các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tiến hành các cuộc điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi, khối lượng ô nhiễm và khắc phục ô nhiễm. Ba điểm nóng về ô nhiễm dioxin được xác định là các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát, trong đó sân bay Biên Hòa là khu vực ô nhiễm lớn nhất, đã được tiến hành cô lập an toàn khoảng 150.000 m3 đất nhiễm dioxin.
Đối với con người, bên cạnh việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng để đảm bảo các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, các bộ, ngành liên quan đã thực hiện nhiều công tác hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ thông qua các hoạt động như: trợ cấp ưu đãi; tổ chức khám, giám định bệnh, dị dạng, dị tật, chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng quà, học bổng cho nạn nhân…
Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho biết, thực hiện công tác xử lý dioxin và hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam, nhiều dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam đã được triển khai như tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật; bảo vệ, tạo cơ hội nâng cao tiếng nói cho người khuyết tật; chăm sóc y tế, phục hồi chức năng; dự án “Tôi lớn mạnh”, “Hãy nắm lấy tay tôi”…
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày và thảo luận các báo cáo khoa học với nội dung tập trung vào hai chuyên đề: Ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với môi trường sinh thái; Ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với sức khỏe con người.