Trước khi cầu Thịnh Long được đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác, phương tiện và người dân hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng muốn đi lại, giao thương chỉ có cách đi qua phà Thịnh Long, phà Phú Lễ hoặc phải đường vòng bằng đường bộ qua cầu Lạc Quần, dài thêm khoảng 10 km, chưa tính thời gian phà vượt sông Ninh Cơ khoảng 20 phút/chuyến.
Bến phà Thịnh Long qua sông Ninh Cơ cách TP Nam Định khoảng 40 km, thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 19 giờ hàng ngày trong tuần. Tuy nhiên, do chỉ có một chuyến phà quay vòng sang sông, diện tích chuyên chở phương tiện chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho hai hoặc ba chiếc ô tô trọng tải lớn và vài chiếc xe gắn máy, nên không ít phương tiện phải chờ trên bờ nếu nhỡ chuyến hoặc hết chỗ.
Nhiều người qua phà tuy có cảm giác tận hưởng những cơn gió mát sảng khoái, ngắm nhìn cảnh vật sông nước hữu tình, nhưng thiết nghĩ thật nguy hiểm và không an toàn bởi những chuyến phà chòng chành qua sông mỗi khi có sóng to, gió lớn... Đã có không ít những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình vận hành bến phà Thịnh Long cho đến nay.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Thi (60 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Hưng), người đã có thâm niên hơn 30 năm lái phà qua sông Ninh Cơ cho biết: "Bến phà sẽ dừng hoạt động ngay khi cầu Thịnh Long được đưa vào khai thác. Đồng cảm với những người dân, những người lao động đã hàng chục năm nay gắn bó với bến phà, cảm xúc của mọi người hiện nay vui buồn đan xen. Buồn vì phà sẽ không còn tiếp tục hoạt động, nhưng cũng phấn khởi vì hy vọng, mong ước bao đời nay của người dân hai bên bờ sông Ninh Cơ đã trở thành hiện thực khi có cầu Thịnh Long kiên cố, hiện đại thay bến phà, để mọi người dân đỡ vất vả đi lại. Không có việc ở bến phà, tôi sẽ trở về địa phương để trông coi, giúp việc cho nhà thờ ở quê...".
Phóng viên báo Tin tức ghi nhận những hình ảnh cuối cùng của bến phà Thịnh Long: