Băng tuyết trên nhiều đỉnh núi
Tình trạng băng giá đã xuất hiện ở các đỉnh núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái. Đây là đợt xuất hiện băng giá nhiều nhất trong mùa đông, tỉnh đến tháng 1/2021. Băng giá xuất hiện đã thu hút du khách đổ về các vùng núi chiêm ngưỡng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, rạng sáng 9/1, đường lên đỉnh chùa Đồng thuộc Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (thành phố Uông Bí), băng giá đã xuất hiện, bám vào các thảm thực vật, phiến đá, mái chùa. Còn tại đỉnh núi Cao Ly thuộc huyện Bình Liêu, băng giá phủ trắng các cành cây, ngọn cỏ.
Ngày 9/1, nền nhiệt chung ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuống 3 độ C, đặc biệt tại đỉnh đèo Khau Phạ chỉ còn 0 độ C, xuất hiện sương muối và băng giá.
Trước đó, sáng 8/1, nhiệt độ đo được tại đỉnh núi Phia Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) là - 9 độ C, xuất hiện hiện tượng băng giá phủ kín cành cây và mặt đất.
Đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) chìm trong giá rét, băng tuyết phủ một lớp trắng có thể nhìn thấy rõ trên các cành cây, ngọn cỏ, cùng với mưa nhỏ, mây mù, gió mạnh nên cảm giác rất lạnh.
Tại các huyện vùng cao biên giới núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang như huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần đã xảy ra rét đậm, rét hại, nhất là khu vực các xã biên giới, nhiệt độ thấp nhất phổ biến dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -2 độ C, băng tuyết và sương muối xuất hiện dày đặc trên diện rộng. Cao nguyên đá Đồng Văn chìm trong giá rét, băng tuyết xuất hiện trên các triền núi cao, tuyết phủ kín cây cối tạo ra một vùng rộng lớn trắng xóa.
Không khí lạnh tràn về, nhiệt độ giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cuộc sống người dân vùng núi bị đảo lộn, các hoạt động gần như ngưng trệ, không ai ra đồng làm việc, trẻ con và người già đóng cửa đốt lửa sưởi ấm. Người dân ở đây đã có ý thức bảo vệ gia súc, vật nuôi khá tốt nên không có hiện tượng thả rông gia súc ra đồng như trước nữa.
Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhiều người già và trẻ em đã phải nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp, huyết áp tăng nhanh. Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét.
Chủ động các biện pháp ứng phó
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, chiều 9/1, có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam và sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc từ đêm 10/1.
Tình trạng rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.
Đối phó với thời tiết khắc nghiệt, các địa phương đã và đang thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động phòng, chống rét.
Theo khuyến cáo của các địa phương và chuyên gia khí tượng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm để giảm thiểu thiệt hại. Cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng bạt và các vật liệu khác để che chắn chuồng trại; tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, nguồn cỏ sẵn có để chế biến, dự trữ thức ăn tinh. Người dân cần kiểm tra, gia cố chuồng trại, đặc biệt là phía đón gió; di chuyển, tập trung đàn gia súc bằng cách xem xét hướng di chuyển đến các hộ liền kề có nhà kiên cố hoặc các khu vực có thể che chắn bằng bạt, chiếu, bao tải, rơm rạ... Người dân cũng nên tích cực kiểm tra sức khoẻ gia súc, bổ sung muối, thức ăn tinh trong khẩu phần, đặc biệt lưu ý bệnh hô hấp, cước.
Du khách và người dân cần chủ động chuẩn bị quần áo đủ ấm, các vật dụng cần thiết để tránh rét, có trang thiết bị bảo hộ để tránh băng giá làm cho nhiệt độ cơ thể xuống thấp, dẫn đến mất nhiệt gây nguy hiểm đến tính mạng. Người dân cũng cần hạn chế ra ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân. Người dân không nên đi ra ngoài đồng ruộng khi nhiệt thấp dưới 12 độ C, đi làm ruộng trễ hơn, về sớm hơn trong những ngày rét đậm, rét hại.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thông tin cho các địa phương chủ động cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học để tránh rét khi nhiệt độ dưới 10 độ C, học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C. Các trường học triển khai nhiều biện pháp thiết thực để làm tốt công tác phòng, chống rét, giữ ấm cho học sinh; đảm bảo sức khỏe, an toàn, duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần của các em trong mùa đông.