Bão dịch sẽ đi qua, tình người càng thắm lại - Bài cuối: Cộng đồng chung tay

Đà Nẵng từ lâu được mệnh danh là “Thành phố đáng sống” thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng lãm. Đáng sống ở đây không chỉ là không gian sống mà còn bao trùm cả tình người, sự thân thiện, mến khách, thẳng thắn trong tính cách của người Đà Nẵng. Trong đại dịch COVID-19, Đà Nẵng trở thành điểm sáng về tình người, sức mạnh cộng đồng được kết nối bền chặt, chung sức cùng nhau vượt qua bão dịch.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện cách ly toàn xã hội, các tuyến đường Đà Nẵng thưa vắng người ra đường. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Ấm áp tình người

Cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (sinh năm 1929, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đã dành số tiền 5 triệu đồng cất giữ từ tiền mừng tuổi của con, cháu để ủng hộ các y, bác sĩ đang tham gia chống dịch. Mẹ Lê Thị Chi cho hay, cả đời mẹ đã sống vì lý tưởng cách mạng, lúc già yếu, bệnh tật được Đảng và Nhà nước chăm lo. Do vậy, việc ủng hộ cho phòng, chống dịch chỉ là góp sức nhỏ. Mẹ mong muốn bệnh dịch sẽ nhanh chóng được đẩy lùi, người dân đoàn kết, tiếp tục xây dựng đất nước giàu mạnh.

Em Phan Tăng Bình, sinh viên năm thứ 5, Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng (quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế), mặc dù được nghỉ học do dịch bệnh, sau khi nghe thông tin về hoạt động hỗ trợ lực lượng kiểm soát dịch ở các điểm chốt, em đã đăng ký tham gia. Bình đăng ký tình nguyện trong khung giờ đêm, nhiệt tình tham gia trực hai ca từ 18 giờ đến 24 giờ và từ 0 giờ đến 6 giờ. Khoảng cách từ nơi ở của Bình đến điểm chốt dịch ở cuối đường Trường Sa khoảng 30km, ngày nào em cũng cần mẫn đến điểm chốt đúng giờ, nhiệt tình tham gia hỗ trợ các lực lượng kiểm soát dịch.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, không thể không nhắc đến những bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu. Mặc dù biết nguy hiểm, họ luôn thể hiện tinh thần lạc quan, quên ngày đêm, khó khăn, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân, dũng cảm đương đầu chống lại dịch bệnh.

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng nơi điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Tại đây, gần 50 y, bác sĩ và nhân viên y tế luôn trong trạng thái làm việc cao độ, căng thẳng. Trong 3 tuần, họ không về nhà, làm việc và thực hiện cách ly tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho mình cùng những người xung quanh.

“Công việc của tôi là chuẩn bị phòng và phương tiện máy móc để đón tiếp, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Khi bệnh nhân thực hiện cách ly, tôi chăm sóc từ việc ăn uống cho tới vệ sinh”, chị Lê Thị Kim Loan, Điều dưỡng viên Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới trải lòng, khi điều trị các bệnh nhân đầu tiên, ban đầu hơi lo lắng nhưng rồi cũng thấy quen. Ở đây, hàng ngày, các bệnh nhân được bác sĩ thăm khám 6 - 8 lần, thực hiện các xét nghiệm và bổ sung dinh dưỡng.

Cộng đồng chung tay

Khi đại dịch bùng phát, tình hình khan hiếm khẩu trang diễn ra ở khắp nhiều nơi. Thế nhưng, thay vì để bán, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại thành phố Đà Nẵng đã tổ chức phát miễn phí khẩu trang y tế cho người dân và du khách. Với các thông báo như “phát khẩu trang miễn phí, không bán khẩu trang”, “tặng khẩu trang miễn phí, hãy đeo khẩu trang phòng, chống dịch bệnh COVID-19”...,  các cửa hàng phát khẩu trang miễn phí với mong muốn lan tỏa tính nhân văn, huy động sức mạnh cộng đồng để phòng, chống dịch.

Để phòng, chống dịch COVID-19, một số trường đại học ở thành phố Đà Nẵng đã pha chế nước rửa tay sát khuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát cho giảng viên, sinh viên và tặng người dân. “Qua hoạt động này, nhà trường muốn thể hiện trách nhiệm với xã hội, cùng với cộng đồng xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao ý thức chống dịch bệnh và lan tỏa những hành động đẹp đến với mọi người” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật chia sẻ.

Trong các hoạt động chung tay cùng cộng đồng, phải kể đến những phát minh được chế tạo phục vụ cho việc phòng, chống dịch COVID-19 như máy đo thân nhiệt từ xa, robot phục vụ người cách ly ở bệnh viện, máy rửa tay tự động…

Chia sẻ về việc sáng chế sản phẩm máy đó thân nhiệt từ xa, Giáo sư Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: “Để chung tay cùng với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, sau khi sản phẩm đo thân nhiệt từ xa hoàn thiện, nhóm nghiên cứu rất muốn phổ biến sản phẩm này ra thị trường và chia sẻ công nghệ với các nhà sản xuất để có thể sản xuất đại trà, nhằm phục vụ việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả hơn”.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn, cả nước cùng gồng mình chống dịch, nhiều cá nhân, tập thể đã chung tay, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố. Tính đến ngày 30/3, Bộ phận nhận ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận số tiền khoảng 3,1 tỷ đồng. Ngoài tiền mặt, hàng ngày, nhiều cá nhân, tập thể còn hỗ trợ hàng hóa, thực phẩm cho đội ngũ cán bộ, sinh viên, chiến sĩ đang ngày đêm thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Thành quả đầu tiên trong trận chiến chống dịch

Bệnh viện Đà Nẵng (nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 của thành phố Đà Nẵng) đã công bố chữa khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 22, 23 và 35 trong ngày 27/3.

Chú thích ảnh
Ba bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 22,23 và 35 xuất viện. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) chia sẻ: Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là thấy được bệnh nhân khỏe mạnh và trở về. Đứng trước chiến tuyến chống “giặc COVID-19”, ai cũng lo lắng. Tuy vậy, chúng tôi không lo sợ vì luôn có sự hỗ trợ và ủng hộ của nhân dân, chính quyền.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay, việc chữa khỏi cho 3 bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng là niềm vui chung của nhân dân thành phố Đà Nẵng, cũng như cả nước. Thành quả này có được là nhờ sự chung tay, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, nhân dân, với một mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19.

Cũng như nhiều khu cách ly khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Khách sạn Vanda (Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu) là nơi cách ly các du khách nước, ngoài sau khi có hai bệnh nhân mắc COVID-19 trú tại đây. Sau 14 ngày cách ly tại khách sạn, các du khách nước ngoài đều có tâm lý thoải mái, vui vẻ và gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam, nhân viên Khách sạn Vanda đã giúp đỡ tạo mọi điều kiện trong sinh hoạt, bảo đảm an toàn cho mọi người trong thời gian dịch bệnh.

"Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh khi có người bị mắc COVID-19. Tại Khách sạn Vanda, ngay sau khi có thông báo về việc cách ly y tế, tôi đã chấp thuận và làm theo mọi quy định. Trong những ngày cách ly ở đây, tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái. Tôi được các nhân viên khách sạn quan tâm, chăm sóc nhiệt tình, được cung cấp đầy đủ mọi tiện nghi như ti vi, internet, bữa ăn luôn đúng giờ, hợp khẩu vị. Cám ơn Chính phủ Việt Nam vì đã tạo mọi điều kiện cho chúng tôi trong thời gian cách ly” - anh Wang Fei (du khách người Trung Quốc) chia sẻ.

Tại khu cách ly Trung tâm Bồi dưỡng Kiến thức quốc phòng- an ninh thành phố Đà Nẵng, sau khi hoàn thành cách ly, trở về nhà, nhiều người đã quay trở lại ủng hộ công tác phòng, chống dịch của thành phố Đà Nẵng.  

“Những ngày cách ly tại Trung tâm, em luôn được các chiến sĩ, nhân viên y tế quan tâm, phục vụ tận tình. Em rất cảm kích tinh thần nhiệt huyết, quên mình đương đầu với những khó khăn nơi tuyến đầu của các anh, chị”, chị M.T. (du học sinh từ Hàn Quốc về Đà Nẵng) từng cách ly đợt đầu tại Trung tâm bày tỏ.

Cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn nhưng với sức mạnh cộng đồng, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các ban ngành chức năng của Đà Nẵng, mọi người dân, sự hy sinh lợi ích bản thân của các chiến sĩ, nhân viên y tế, chắc chắn cuộc chiến sẽ sớm giành thắng lợi. Những dư âm, tình cảm trong giai đoạn này sẽ còn đọng lại trong mỗi người Đà Nẵng, đây có thể xem là giai đoạn khó khăn, “thử lửa” tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng và sự bền vững của một kết cấu xã hội.

Võ Văn Dũng (TTXVN)
Bão dịch sẽ đi qua, tình người càng thắm lại - Bài 1: Huy động tổng lực đẩy lùi dịch COVID-19
Bão dịch sẽ đi qua, tình người càng thắm lại - Bài 1: Huy động tổng lực đẩy lùi dịch COVID-19

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương đề ra nhiều phương án kiểm soát người từ vùng dịch, đưa ra những quyết định quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN