Cần ăn đa dạng thực phẩm, chú ý thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D cho trẻ. Ảnh: VDD |
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, hiện nay, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, nhất là thiếu vitamin A, D, thiếu máu, kẽm… vẫn còn phổ biến và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong cả nước.
“Đặc biệt, đáng báo động là tình trạng thiếu kẽm trong cộng đồng. Kết quả Điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%”, Ths.BS Trần Khánh Vân cho biết.
Trong khi đó, kẽm là một vi chất dinh dưỡng rất cần cho quá trình tăng trưởng, tăng cường khả năng miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp…), tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào... Đặc biệt, thiếu kẽm còn làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ thiếu thiếu kẽm còn thấp, Ths.BS Trần Khánh Vân cho biết, vấn đề chính do khẩu phần ăn của người dân chưa cung cấp đủ nhu cầu cơ thể. Bên cạnh đó, thiếu kẽm thường gây ra những hậu quả rất âm thầm, không đặc trưng nên thường chỉ biết đến sau khi chủ động thực hiện xét nghiệm huyết thanh.
Nhưng bên cạnh tình trạng thiếu kẽm, các chuyên gia dinh dưỡng cũng rất lo ngại về tỷ lệ thiếu vitamin A trong cộng đồng. Điều tra cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, ở một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do bữa ăn hàng ngày của trẻ (dưới 5 tuổi) mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu vitamin A; 34,8% bà mẹ có vitamin A trong sữa mẹ thấp do bữa ăn hàng ngày chưa đáp ứng được nhu cầu cơ thể.
Cũng theo kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc cho thấy, 32,8% phụ nữ có thai, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (42,7 - 45%) và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%).
Trước thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người dân Việt Nam, đại diện Viện Dinh dưỡng cho biết, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 - 2020. Hàng năm, ngành Y tế vẫn thực hiện việc bổ sung vi chất dinh dưỡng (vitamin A) cho các đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ...).
Cụ thể, trong Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm 2017, Viện Dinh dưỡng đã cấp hơn 7, 6 triệu liều viên nang vitamin A để bổ sung cho 5.000.000 trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi và 500.000 bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng, tại 63 tỉnh/thành. Riêng 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao còn được mở rộng với trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi (1,1 triệu trẻ) và hoạt động tẩy giun sẽ được triển khai cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi.
Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân: Cần ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, nên lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn…