Giáo dục kỹ năng tự vệ - phòng chống tội phạm cho các em học sinh cũng là một giải pháp nhằm nâng cao ý thức pháp luật, tự vệ cá nhân, phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Diễn biến phức tạpBạo lực học đường đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn nạn ở tất cả các cấp học, đặc biệt gia tăng ở cấp học phổ thông. Điều đáng nói, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở các nhóm học sinh nam mà các nữ sinh cũng tham gia đánh đập, hành hạ bạn học với những hình thức nhục mạ cả về tinh thần và thể xác. Thậm chí, bạo lực học đường cũng xuất hiện ngay từ mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh.
Đầu tháng 10/2017, dư luận rất bất bình trước vụ việc diễn ra tại trường Trung học cơ sở Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi một nữ sinh lớp 7 bị một nhóm học sinh đánh ngay tại phòng học. Ngoài những nữ sinh tham gia đánh bạn, nhiều học sinh khác cũng có mặt ở đó nhưng không can ngăn mà còn cổ súy và dùng điện thoại quay lại, đưa lên mạng xã hội. Khi tìm hiểu nguyên nhân vụ việc thì lý do các học sinh đánh bạn là do mâu thuẫn cá nhân xuất phát từ việc nữ sinh bị đánh đã lấy tài khoản facebook của một em trong nhóm bạn đó đăng thông tin lên mạng.
Cũng trong tháng 10 vừa qua, cô giáo trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) đã dọa đuổi học một học sinh lớp 2 chỉ vì học sinh này nói chuyện trong giờ học. Việc làm của giáo viên đã khiến học sinh này sợ hãi đòi chuyển trường, phụ huynh bức xúc đưa thông tin lên mạng xã hội. Điều đáng nói ở đây là nhà trường có sổ liên lạc điện tử nhưng không hề nhắn tin thông báo cho phụ huynh biết để phối hợp giáo dục con hay thông báo việc đuổi học con chỉ mang tính nhắc nhở.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), bà Lê Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, học sinh trong độ tuổi từ 12 – 18 là nhóm tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Đặc trưng của lứa tuổi này là sự tăng trưởng nhanh về thể chất, quan tâm đến đời sống xung quanh và hình thành bản sắc cá nhân.
“Các em lứa tuổi này chuyển dần các mối quan tâm từ cha mẹ sang sự khẳng định của bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm trong việc cảm nhận sự thoải mái, sự hiểu biết và đóng góp ý kiến của những người khác. Đây là giai đoạn nhiều thách thức dành cho cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên”, bà Lê Thị Thúy Nga chia sẻ.
Đối với lứa tuổi cấp Tiểu học, tâm lý học sinh không quá diễn biến phức tạp. Tuy nhiên những lý do như bị bạn bắt nạt, thức ăn không hợp khẩu vị hoặc chỉ là hôm trước bố mẹ cãi nhau… cũng khiến các em có những cảm xúc, phản ứng ảnh hưởng đến việc học.
Thành lập Phòng tham vấn học đường từ bậc tiểu học
Từ thực trạng trên, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, cần thiết có một nơi trong trường học để học sinh tìm đến chia sẻ rắc rối gặp phải và được hỗ trợ tâm lý. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải thành lập Phòng tham vấn học đường và bố trí người kiêm nhiệm công tác tham vấn.
Phòng tham vấn là nơi để học sinh, phụ huynh, giáo viên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cả trong quá trình dạy và học, cả trong những mối quan hệ xã hội mang tính cá nhân đang gây xáo trộn về tâm lý. Với sự giúp đỡ của các cán bộ tham vấn, người có nhu cầu tư vấn sẽ không phải đối mặt với các vấn đề khó khăn một mình. Từ đó, sẽ giảm bớt các cảm xúc tiêu cực, thêm hiểu biết về bản thân và hoàn cảnh của mình, đưa ra các quyết định lành mạnh, hữu ích. "Học sinh khi bắt đầu đến trường là có những quan hệ ngoài gia đình. Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do chưa có hiểu biết, kinh nghiệm ứng xử, học sinh rất dễ bị tổn thương, không biết xử trí thế nào là đúng, sai và có thể lựa chọn giải quyết bằng các hành vi sai lệch", ông Phạm Xuân Tiến cho biết.
Cùng chung nhận định, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội) cho rằng, trong một thế giới phát triển ngày càng đa dạng, kết hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, tâm sinh lý học sinh có xu hướng phát triển sớm, đồng nghĩa với việc các em phải đối mặt với những thách thức sớm hơn, phức tạp hơn. Do đó, việc thành lập Phòng tham vấn học đường tại các trường học là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, Phòng tham vấn học đường tại các trường học cũng làm hạn chế những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra giữa giáo viên và phụ huynh, giữa lãnh đạo nhà trường với giáo viên, tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, minh bạch.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi được chia sẻ, giãi bày kịp thời, người có nhu cầu tư vấn tâm lý sẽ giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực hình thành trong lúc nóng nảy, suy nghĩ chưa thấu đáo. Cùng với đó, sẽ được cán bộ tham vấn cung cấp thông tin để giảm thiểu những quan niệm lệch lạc, những suy nghĩ không đúng, đưa ra được những phương án giải quyết vấn đề thông qua việc phân tích những khó khăn, thuận lợi, sàng lọc hậu quả của mỗi quyết định và sự thay thế các giải pháp để tìm ra được giải pháp hiệu quả, từ đó tránh được những quyết định vội vàng, sai lầm, đáng tiếc.
Bài 2 - Điểm tựa tinh thần vững chắc cho học sinh