Lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm. Thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên có lượng mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
Mưa lớn làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường; ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.
Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, từ ngày 7- 10/9, trên các sông ở khu vực Hà Nội xuất hiện một đợt lũ. Cụ thể các sông: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống xuất hiện biên độ lũ 1,5 - 3m mực nước đỉnh lũ dưới báo động 1; Sông Đáy xuất hiện biên độ lũ 1,5 - 3m, mực nước đỉnh lũ từ báo động 1 đến báo động 2. Các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ xuất hiện biên độ lũ 2 - 4m mực nước đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3.
Cảnh báo, do mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, bãi nổi ngoài đê, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Cà Lồ. Đặc biệt chú ý khu vực sông Bùi, sông Tích, sông Nhuệ có nguy cơ cao ngập úng kéo dài tại các vùng trũng thấp ven sông, một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, quận Hà Đông…
Do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, tầng hầm của một số tòa nhà khu chung cư, nhà dân, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội với độ sâu ngập từ 0,2 - 0,5m, có nơi trên 0,5m thời gian duy trì mỗi đợt ngập từ 30 - 60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, chiều 7/9, thành phố tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông 1 (mới) vận hành 3/3 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 2/4 bơm; Trạm bơm DPS (Bắc Thăng Long - Vân Trì) vận hành 1/4 bơm; Trạm bơm Yên Sở vận hành 6/15 bơm khẩn cấp.
Theo báo cáo của các huyện, thị xã và Công ty Thủy lợi, đến 7 giờ ngày 7/9, thành phố đã vận hành 9 trạm bơm tiêu với 32 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 79.300 m3/h.
Thành phố đã đưa 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (được xây dựng cách đây từ năm 1964, nay đã xuống cấp, thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) di dời đến trường tiểu học Tân Mai (cách chỗ ở cũ 300m). Toàn thể người dân được di chuyển đều đồng thuận; tại nơi ở tạm, chính quyền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban, ngành, đoàn thể để hỗ trợ dân di dời.
Đến chiều tối 7/9, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn thành phố có 7 người bị thương vong do cây đổ; có 402 cây đổ, cành gãy.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang huy động các lực lượng, phương tiện ứng phó, sẵn sàng giải tỏa cây gẫy đổ do bão số 3 (với 573 người, 80 xe máy các loại, 100 cưa máy, 100 cưa tay); huy động khoảng 200 người và khoảng 50 phương tiện các loại để ứng phó sự cố về điện.
Bão số 3 đã gây ra trên 70 sự vụ, ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng như: chập, mất pha, nhẩy ATM, gãy cột thép, vỡ hỏng đèn...
Thành phố đã tổ chức ứng trực đảm bảo sản xuất và sẵn sàng ứng phó với bão số 3 với 20 phương tiện xe stec (5 - 10 m3) để cấp nước kịp thời những khu vực bị mất nước cục bộ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo Công ty nước sạch Hà Nội sẵn sàng các phương án cấp nước phục vụ nhân dân, trong đó bố trí 500 bình nước loại 20 lít/bình, sẵn sàng cung cấp cho những khu vực không có nguồn nước khi bị bão lũ chia cắt.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị và vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện trạng mực nước hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa đang biến đổi chậm và ở mức thấp dưới báo động 1. Cảnh báo, từ chiều tối 7/9 đến ngày 10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2 - 6m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên mức báo động 2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức báo động 1; mực nước hạ lưu sông Hồng - Thái Bình ở dưới mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và vùng Đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.