Đến cuối ngày 28/10, tỉnh Gia Lai đã có một người chết và nhiều nhà ở bị tốc mái, công trình giao thông bị hư hỏng, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại về người xảy ra tại thành phố Pleiku khi một người dân đang trú mưa trong một lán tạm bên đường đã bị bức tường đổ sập, đè trúng người dẫn đến tử vong.
Thống kê ban đầu, do ảnh hưởng của bão số 9, ba ngôi nhà bị sập hoàn toàn tại huyện Kbang (1 nhà) và Kông Chro (2 nhà); 181 ngôi nhà bị tốc mái tại huyện Kbang (70 nhà), Kông Chro (17 nhà), thành phố Pleiku (26 nhà), Đăk Đoa (15 nhà), Chư Sê (9 căn)… Bão số 9 đã làm tốc mái hai nhà giáo viên tại huyện Kông Chro, hai trường mẫu giáo tại huyện Chư Sê và huyện Kbang. Nhiều điểm trường bị sập mái nhà xe, tường rào. Các công trình văn hóa bị hư hỏng, đặc biệt, tại huyện Kông Chro có ba nhà rông bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 9 gây ra ở Gia Lai là ở ngành nông nghiệp với 77 ha lúa bị đổ ngã, 4,2 ha rau màu, 300 ha mía tại huyện Kbang, 0,7 ha cây ăn trái tại huyện Phú Thiện và hơn 200 trụ tiêu ở huyện Đăk Đoa bị ngã, đổ. Ngoài ra, chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng nặng. Các công trình công nghiệp như trụ điện, trụ sở Ủy ban xã, cây xanh khu vực trung tâm thành phố Pleiku bị gãy đổ nhiều.
Trước diễn biến mưa, bão hết sức phức tạp, tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có phương án ứng phó kịp thời. Các địa phương rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức các lực lượng xung kích ứng trực 24/24 tại các điểm xung yếu có nguy cơ lở đất, lũ quét, khu vực ngầm tràn để cảnh báo, hạn chế qua lại, tránh nguy hiểm cho người dân; Khẩn trương khắc phục các thiệt hại ban đầu về nhà ở, trường học, trạm y tế…
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã có thông báo tiếp tục cho học sinh trên toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học vào ngày 29/10/2020.