Bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục - Bài 2

Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra ngày càng tăng, “cái ác” vẫn còn nhởn nhơ, thì bản thân gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội và các cơ quan chức năng cần có những hành động kịp thời.

THÚC ĐẨY THỰC THI QUYỀN TRẺ EM

Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vai trò của các bên liên quan trong công tác thực thi quyền trẻ em, cũng như việc giám sát thực thi các công ước quốc tế đã tham gia ký kết để đảm bảo việc bảo vệ quyền trẻ em nói riêng và quyền con người nói chung.

Một hội nghị về vấn đề ngược đãi, xâm hại, bạo lực và buôn bán trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Gia đình cần làm đơn tố giác

Luật gia Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Phát triển Cộng đồng và công tác xã hội (CODES) cho rằng: Sự chậm trễ trong giải quyết các vụ xâm hại tình dục sẽ tiếp tục kéo dài khi mà các bên liên quan chưa cùng hành động ngay từ bây giờ. Do vậy, để bảo vệ sự an toàn của trẻ em, bảo vệ nhân phẩm của xã hội, Việt Nam cần rà soát lại hệ thống luật pháp để cải thiện theo hướng bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, bảo hộ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người dân một cách cụ thể, ngay lập tức và vô điều kiện. Hệ thống bảo vệ pháp luật đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, chú trọng đến bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân và gia đình.

Ông Lê Thế Nhân cũng chia sẻ: Khi phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, người lớn cần giữ bình tĩnh để nói chuyện với trẻ, lắng nghe, quan sát các thay đổi của trẻ về thể chất lẫn tinh thần để thấu hiểu tình trạng của trẻ và có các biện pháp giúp đỡ phù hợp. Hãy bảo vệ và giữ nguyên các đồ vật có liên quan đến câu chuyện mà trẻ đã kể, ghi nhận lại các mối quan hệ, thời gian, địa điểm, sự kiện đã xảy ra. Đây là các thông tin ban đầu vô cùng quý giá làm bằng chứng cho việc tố giác, điều tra xử lý.

Gia đình cần làm đơn tố giác, yêu cầu khởi tố vụ án gửi đến cơ quan công an, viện kiểm sát cùng các bằng chứng, thông tin đã thu thập được. Đồng thời, đề nghị các cơ quan này chỉ định giám định pháp y và tâm lý cho trẻ ngay lập tức để thu thập các bằng chứng. Việc tố giác có thể thực hiện tại công an phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng bất cập đó là, một số vụ việc được tiếp nhận và để đó, cấp phường xã không báo cáo cho cấp trên, làm chậm trễ trong quá trình xác định vụ việc, khởi tố vụ án để điều tra hoặc bị lãng quên.

Bên cạnh đó, để bảo vệ con em mình, người lớn cần tránh để trẻ trải nghiệm các trạng thái cảm xúc tiêu cực, tránh biểu đạt cảm xúc của mình và thông tin của trẻ trên các phương tiện truyền thông cá nhân, công cộng khiến người khác có thể biết tình trạng của trẻ và tìm đến - gây ảnh hưởng cho trẻ. Gia đình cần đưa trẻ đi gặp bác sỹ tâm lý, kiểm tra sức khỏe khi thấy cần thiết.

Từ thực tế xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em trong thời gian qua, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhiều “nút thắt” cần phải gỡ và không phải lúc nào, vụ nào cũng tìm ra đối tượng xâm hại các cháu. Trong vấn đề này, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng mong muốn sớm làm rõ, xử lý nghiêm người có hành vi phạm tội nhưng vẫn chưa có trả lời thích đáng.

Theo bà Ninh Thị Hồng, với các vụ việc này, cơ quan công an luôn muốn có chứng cứ rõ ràng để có thể xử lý, bắt giữ người xâm hại nhưng các quy định hiện nay khi tới y tế để khám, xác định tổn thương vẫn kéo dài và không phải cơ quan y tế nào cũng làm ngay. Chưa kể, có lúc ngành y tế phải đợi giấy tờ của cơ quan công an thì mới làm, trong khi các dấu vết, chứng cứ của kẻ phạm tội sẽ mất đi ngay theo thời gian. Trường hợp vụ xâm hại trẻ em ở nơi xa, rơi vào thứ 7, chủ nhật, lại phải đi tìm cơ quan công an cấp giấy giới thiệu để giám định thì đã hết dấu vết. Đây là những khó khăn mà cơ quan công an và y tế cần ngồi lại bàn thảo với nhau để các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện sớm, ưu tiên xử lý ngay, trừng trị thích đáng những kẻ có hành vi phạm tội.

Giáo dục trẻ kỹ năng bảo vệ chính mình

Với những em ở lứa tuổi đi học, việc chia sẻ câu chuyện về giới tính cũng như xâm hại tình dục đang gặp rất nhiều khó khăn với các bậc phụ huynh vì các em thường tỏ ra xấu hổ, ngại chia sẻ. Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho trẻ.

Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng, không nên đưa giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục sớm vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Thực tế và kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy sự cần thiết phải giáo dục giới tính cho học sinh, càng sớm càng tốt. Đến độ tuổi dậy thì, giáo dục tình dục phải được đưa vào chương trình giảng dạy. Các thầy cô giáo đều phải nắm rõ và có kiến thức về giới tính và tình dục, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em để truyền thụ cho học sinh. Tài liệu giảng dạy nhất thiết phải phù hợp theo độ tuổi và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Bên cạnh đó, việc giáo dục kiến thức, kỹ năng nhận biết nguy cơ và phòng tránh xâm hại trẻ em cho các bậc cha mẹ ở cộng đồng cũng cực kỳ quan trọng và cần làm song song với giáo dục trong nhà trường. Điều quan trọng là các cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em cần phải thiết lập được mạng lưới đội ngũ cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên tại cộng đồng. Đội ngũ này phải được hỗ trợ các tài liệu với kiến thức phòng tránh đơn giản, dễ hiểu và cần được đào tạo tập huấn về kỹ năng truyền thông trực tiếp để tiếp cận tới mọi gia đình và mọi đối tượng.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An cũng nhấn mạnh, người lớn nên nhớ rằng “trẻ em luôn là nạn nhân”, việc các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ em bị đụng chạm hoặc trẻ em bị xâm hại không bao giờ là lỗi của các em. Vì vậy, cha mẹ hoặc bất kỳ ai cũng không nên mắng mỏ, đổ lỗi hay lên án trẻ. Chúng ta cần phải tuyên truyền cho mọi người và các bậc cha mẹ hiểu, kịp thời an ủi, đùm bọc để sớm giúp trẻ ổn định tâm lý sau sang chấn; cùng đồng hành và khuyến khích trẻ vượt qua.

Các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến con cái của mình hơn và nhớ kỹ một số lời khuyên để bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại tình dục đang gia tăng hiện nay. Đó là: Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể; Dạy trẻ không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm của mình; Dạy trẻ không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác ; Dạy trẻ tránh xa người lạ mặt và không theo người lạ đến những nơi vắng vẻ; Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc kêu to nhờ sự giúp đỡ của người khác khi bị kẻ lạ mặt có hành vi lạ; Dạy trẻ phải báo ngay cho cha mẹ khi bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào vì hay có những hành vi đụng chạm.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi gia đình hãy là một pháo đài để bảo vệ sự an toàn cho trẻ em, cùng hành động để chấm dứt nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Việt Hà (TTXVN)
Bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục - Bài 1
Bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục - Bài 1

Hiện nay, các vụ xâm hại tình dục thường được giải quyết rất chậm. Sự chậm trễ này gây nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, quan hệ gia đình và xã hội của nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN