Bất cập quản lý phòng khám tư nhân

Vụ việc một thai phụ hôn mê sâu dẫn đến tử vong sau khi điều trị tại Phòng khám đa khoa 1 Hà Nội và hàng loạt sai phạm liên tiếp của các phòng khám tư nhân mới đây một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, đặc biệt việc kiểm tra, giám sát chuyên môn tại các cơ sở y tế tư nhân.

Nhan nhản sai phạm


Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đơn vị này đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an, đề nghị đơn vị quản lý Phòng khám đa khoa 1 Hà Nội “mời” bằng được bác sĩ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh về để phục vụ công tác điều tra (đã bỏ trốn ngay sau khi bệnh nhân T. bị ngất và rơi vào hôn mê sâu).

Ngày 16/3, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Phòng khám đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai).

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên thanh tra y tế phát hiện sai phạm tại Phòng khám đa khoa 1 Hà Nội. Chỉ riêng năm 2016, Sở Y tế đã phối hợp với cơ quan công an kiểm tra cơ sở này 3 lần và lần nào cũng phát hiện sai phạm và bị xử phạt. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền phạt liên tiếp thì Phòng khám đa khoa 1 Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Chỉ đến khi xảy ra sai sót nghiêm trọng khiến sản phụ bị chết não thì đại diện phòng khám này mới chủ động đến Sở Y tế gửi trả lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Vấn đề là trước khi xảy ra vụ tử vong nêu trên, Hà Nội cũng đã từng xảy ra hàng loạt tai biến y khoa nghiêm trọng tại các phòng khám tư nhân. Trong đó, gây rúng động dư luận là vụ trọng án gây chết người và vứt xác nạn nhân xuống sông tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (tháng 10/2013). Và sau mỗi vụ việc tai biến, dẫn đến chết người, các cơ quan chức năng đều “ra quân” tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt quản lý các phòng khám tư nhân. Nhưng thực tế, sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm.

Lần xảy ra sự cố này cũng vậy, Hà Nội đang tiến hành thanh, kiểm tra hàng loạt phòng khám tư nhân trên địa bàn. Từ 8/3 đến nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp tạm đình chỉ hoạt động các phòng khám tư nhân, với rất nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng như: Thực hiện dịch vụ kỹ thuật không được cấp phép; trong hộp chống sốc có cả thuốc gây mê và cả chục loại thuốc đã hết hạn sử dụng; không xây dựng quy trình chuyên môn kỹ thuật, không có phác đồ chống sốc, cấp cứu tại phòng khám; một số bác sĩ Trung Quốc dù đã về nước nhưng vẫn chưa bị rút giấy phép hoạt động và người còn hoạt động thì lại không có mặt tại phòng khám...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc quản lý phòng khám tư nhân, nhất là phòng khám có bác sĩ nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn.

Đầu năm 2017, một bé gái 13 tuổi cũng đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong sau khi tiêm thuốc điều trị dị ứng tại một phòng khám tư nhân huyện Củ Chi. Gần đây nhất, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra, xử phạt 120 triệu đồng đối với một phòng khám đa khoa trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), có người Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép, nhà thuốc cũng chưa được cấp phép...

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt 24 cơ sở phòng khám tư nhân sai phạm, trong đó có 16 cơ sở phòng khám có yếu tố nước ngoài. Những sai phạm thường gặp của các phòng khám gồm: Không niêm yết giá dịch vụ rõ ràng, bác sĩ nước ngoài khám bệnh không phép, nhân sự khám sức khỏe theo chuyên khoa chưa phù hợp với chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh...

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo nhiều chuyên gia y tế, chính vì các chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên nhiều phòng khám tư nhân sẵn sàng nộp phạt, để sau đó dễ dàng thu hồi tổn thất từ chính người bệnh thông qua các chiêu thức “vẽ” thêm bệnh và dịch vụ y tế.

“Như trường hợp nạn nhân T. (điều trị ở Phòng khám đa khoa 1 Hà Nội, đã tử vong) là một ví dụ điển hình. Thông thường, để điều trị phụ khoa chỉ cần kê đơn và cho bệnh nhân mua thuốc về đặt là khỏi. Tuy nhiên, để thu thêm tiền, phòng khám này đã “vẽ” ra dịch vụ khí dung”, một đại diện Sở Y tế cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, Sở Y tế luôn tái kiểm tra những phòng khám trong nước từ 1 - 2 lần/năm, còn những phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhất là phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường được “ưu tiên” kiểm tra tra 2 - 3 lần. Tuy vậy, vẫn còn nhiều sai phạm tại các phòng khám tư nhân do chế tài chưa đủ sức răn đe.

"Có những phòng khám dù bị xử phạt tới 900 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động nhưng họ vẫn chấp nhận. Sau đó, các phòng khám này bỏ cơ sở cũ chuyển sang đầu tư một cơ sở mới và tiếp tục hoạt động theo hình thức cũ", ông Nguyễn Tấn Bỉnh dẫn chứng.

Đặc biệt, một cán bộ quản lý lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân lâu năm của Sở Y tế Hà Nội cho biết, quy định hiện hành khó có thể đóng cửa được phòng khám tư nhân cho dù có liên tiếp tái diễn vi phạm. Bởi lẽ, hiện nay, quy định chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng, giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền. Do đó, rất cần thiết bổ sung ngay quy định đóng cửa đối với các phòng khám tư nhân nếu vi phạm quy định về hành nghề trong 3 lần liên tiếp.

Theo thống kê, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 7.500 phòng khám tư nhân. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn thấp, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tư nhân hoạt động không phép, dễ gây tai biến cho người bệnh.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung những quy định nhằm xử phạt nghiêm những sai phạm tại các phòng khám tư nhân và cũng để tránh “nhờn” luật. Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương, bắt buộc chính quyền phải vào cuộc, đôn đốc công tác thanh kiểm tra các phòng khám, nhất là đơn vị đã phát hiện sai phạm.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: 

Công khai kết quả thanh tra


Để quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống các phòng khám tư nhân, ngay từ đầu tháng 3/2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, đánh giá chất lượng tất cả phòng khám tư nhân. Hoạt động này sẽ diễn ra trong suốt năm 2017. Theo đó, Thanh tra Sở Y tế sẽ phối hợp với phòng y tế quận, huyện tiến hành thanh, kiểm tra đối với các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn. Hoạt động kiểm tra tập trung đánh giá việc tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh; đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại những phòng khám tư nhân đang hoạt động. Những phòng khám đã kiểm tra nhưng không đạt các tiêu chuẩn hoặc thực hiện chưa đúng các quy định, lực lượng chức năng liên quan sẽ tiến hành công tác hậu kiểm. Các phòng khám cố tình vi phạm quy định sẽ bị thanh tra chuyển văn bản, hồ sơ về Sở Y tế để có biện pháp xử lý kịp thời. Kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra phòng khám đa khoa tư nhân sẽ được Sở Y tế công khai để người dân tiện theo dõi, chọn lựa. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ các chi tiết về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho gần 40.000 cán bộ nhân viên y tế, cũng như chức năng hoạt động của các phòng khám..., để các cơ sở y tế địa phương dễ quản lý cũng như người dân có thể tìm hiểu và biết chức năng hành nghề của các phòng khám trước khi đi khám chữa bệnh.


Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: 

Thành lập tổ công tác đặc biệt


Sau những sự việc xảy ra về lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập một tổ công tác đặc biệt và ngay lập tức thành lập bốn đoàn thanh kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các phòng khám tư nhân, trong đó, trọng điểm kiểm tra là phòng khám có yếu tố nước ngoài (bắt đầu từ ngày 8/3). Mặt khác, Sở Y tế cũng chủ động tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, các hình thức xử lý, xử phạt trong hành nghề tư nhân. Đồng thời, tăng cường những buổi họp giao ban để các cơ sở hành nghề có thể trình bày các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, cũng như tạo cơ hội để các cơ quan quản lý trao đổi những hành vi, những hình thức xử lý, xử phạt các cơ sở khác trên địa bàn, để các cơ sở hành nghề cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm. Sở Y tế cũng đã có công văn đề nghị phòng y tế các quận, huyện hướng dẫn các cơ sở hành nghề trên địa bàn dán ảnh, niêm yết công khai danh tính người hành nghề tại những vị trí dễ nhận biết, dễ thấy để người dân khi sử dụng dịch vụ có thể biết được bác sĩ nào, điều dưỡng nào, nữ hộ sinh nào cung cấp dịch vụ cho mình có chính xác so với danh sách Sở Y tế đã niêm yết công khai hay không...


Phương Liên - Đan Phương/Báo Tin Tức
Hà Nội thu hồi giấy phép hoạt động của 2 phòng khám tư nhân
Hà Nội thu hồi giấy phép hoạt động của 2 phòng khám tư nhân

Ngày 23/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền vừa ban hành 3 quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của một số cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN