Học sinh bất chấp hiểm nguy qua sông bằng mảng. Ảnh:dantri.com.vn |
Về mùa mưa về, dòng nước dâng cao, chảy siết làm ảnh hưởng tới tính mạng của người dân, đặc biệt là các em học sinh.
Nằm ven bờ sông Âm đoạn chảy qua huyện miền núi Ngọc Lặc, 3 xã Phùng Giáo, Phùng Minh, Vân Am bị chia cắt nhiều thôn với trung tâm xã do sông chảy qua. Với người dân xã Phùng Minh, nếu muốn vượt sông Âm sang 3 làng Mùi, Lãi, Tân Lập thì phải đi trên những chiếc cầu phao luồng, bè mảng.
Tại bến làng Thượng, nếu muốn sang làng Mùi, người dân phải đi qua cầu phao luồng tạm do người dân góp tiền xây. Nhìn cây cầu mỏng manh giữa sông, người dân khi đi qua cầu đều cảm thấy lo lắng cho tính mạng, nhiều tiểu thương muốn vận chuyển mía, rau, gạo sang bên kia sông để buôn bán, giao thương kinh tế đều phải bất chấp tính mạng chạy xe máy kèm hàng hóa qua cầu.
Ông Bùi Chí Minh, làng Mui, xã Phùng Minh cho biết, nhiều năm nay ông và nhiều người 3 xã Phùng Minh, Phùng Giáo, Vân Am phải đi bè mảng qua sông Âm. Sau đó, người dân trong xã Phùng Minh góp tiền, đầu tư 50 triệu để làm cầu phao luồng tạm để đi lại cho thuận tiện hơn, nhưng vẫn rất nguy hiểm khi đi qua sông, vào mùa mưa lũ thì người dân, học sinh không thể qua sông do nước dâng cao.
Tại bến làng Hạ, người dân phải đi qua sông bằng bè mảng do người chèo bè điều khiển. Đối với những em học sinh, hàng ngảy phải chờ nhau đi trên chiếc bè mỏng mang do ông Nguyễn Văn Cao điều khiển, những hôm nước to, mưa lũ các em phải nghỉ học vì không thể sang sông.
Ông Ngô Trọng Túc, Chủ tịch UBND xã Phùng Minh cho biết, những lần mưa bão về, cán bộ xã ở bên kia sông muốn sang bên trung tâm xã làm việc cũng không được do nước dâng cao không thể chèo bè qua sông. Mong các cấp có thẩm quyền xây một cây cầu bắc qua sông Âm để người dân đi lại phát triển kinh tế, các cháu qua sông đi học.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Trung ương, UBND tỉnh, tổ chức Lramp đã tạo điều kiện giúp huyện trong xây cầu bắc qua sông Âm nên huyện Ngọc Lặc đã có dự án xây 2 cầu treo dân sinh tại xã Phùng Minh là cầu Chu và Cầu Mui, còn tại xã Vân Am cũng đã có dự án xây cầu Mết. Tuy nhiên, cả 3 dự án trên đều chưa triển khai nên nhân dân phải đi bằng bè mảng, cầu phao gây mất an toàn tính mạng. Trước thực trạng trên, huyện đã phối hợp Ban an toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa để phát áo phao và tổ chức tập huấn cho bà con khi đi trên cầu tạm, bè.
Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc, trên địa bàn huyện vẫn còn 5 vị trí cần làm cầu mới để nhân dân sống tại huyện miền núi Ngọc Lặc có thể đi lại được thuận tiện, giao thương buôn bán, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.