Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 3/1, bé gái N.T.T, 2 tuổi, ở tại huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, mất nhiều máu. Qua lâm sàng, các bác sỹ nhìn thấy vết đâm sâu khoảng 3 cm ở chân cổ bên phải làm đứt nhiều mạch máu và dây thần kinh.
Người nhà bệnh nhi cho biết, tối cùng ngày, bé N.T.T vấp ngã khi đang cầm bát cơm trên tay. Sau khi ngã, do bát cơm vỡ toang, một mảnh sành đã đâm sâu vào cổ bé gái. Quá hoảng hốt, người nhà đã rút mảnh sành ra khỏi cổ bé, lấy khăn quấn lại và đưa đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được truyền dịch, truyền máu và đưa thẳng vào phòng mổ. Tuy nhiên, khi tiến hành kẹp các động mạch, tĩnh mạch vùng cổ bị đứt và cầm máu, các bác sỹ phát hiện bên cạnh những động mạch, tĩnh mạch bị tổn thương còn một thương tổn nguy hiểm khác là đám rối thần kinh ngoại vi vùng cổ bên phải cũng bị đứt. Ngay lập tức, Bệnh viện đã báo động đỏ liên viện đến các bệnh viện chuyên khoa khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để phối hợp can thiệp triệt để cho bệnh nhi.
Sau hơn 5 giờ vừa hồi sức vừa phẫu thuật khâu nối các mạch máu và đám rối thần kinh, bệnh nhi đã thoát khỏi nguy cơ tử vong. Đến sáng 4/1, bệnh nhi có dấu hiệu hồi sinh, đồng tử phản xạ với ánh sáng, mạch, huyết áp ổn định, vết mổ khô, không còn chảy máu. Hiện tại, bệnh nhi vẫn còn hôn mê, thở máy, tuy giữ được mạng sống nhưng cháu bé phải đối diện với khả năng tổn thương não do ngưng tim, ngưng thở kéo dài.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến cho biết, sai lầm của gia đình bệnh nhi là rút mảnh sành ra khỏi cổ khiến máu tràn ra ngoài không cầm lại được. Cách xử lý đúng nhất là để nguyên mảnh sành ở cổ, tìm cách cố định cổ, đầu cháu bé và đưa đến bệnh viện gần nhất. Phụ huynh cũng có thể hạn chế máu chảy ở vết thương bằng cách dùng gạc đắp xung quanh, băng quanh cổ trước khi đến bệnh viện.