Kèm theo đó là tài liệu chia sẻ của ông Douglas Foo, Ủy viên Bộ Y tế, Chủ tịch Bệnh viện Khoo Teck Puat (bệnh viên công lớn nhất Singapore, thuộc Công ty Sakae Holdings), về những kinh nghiệm chống dịch COVID-19 của Singapore trong thời gian vừa qua.
Theo ông Douglas Foo, hai yếu tố quan trọng nhất để xử lý khủng hoảng COVID-19 là lòng dân và sự sẵn sàng của ngành y tế. Để giữ ổn định lòng dân, Chính phủ Singapore đã thực hiện các giải pháp: không được để người dân hoảng loạn, nhanh chóng hành động và luôn cập nhật thông tin để người dân an tâm. Bên cạnh đó, ngành y tế khẩn trương cách ly, truy vết tiếp xúc. Đồng thời, người dân cần nghiêm khắc trong thực hiện quy định giãn cách xã hội, kể cả khi đã kết thúc thời gian cách ly. Chính phủ Singapore cũng tập trung hướng dẫn người dân giữ vệ sinh cá nhân; thực hiện các quy tắc giao tiếp xã hội an toàn; tung ra các gói cứu trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp.
Để đảm bảo sự sẵn sàng của ngành y tế, Chính phủ Singapore đã thực hiện các giải pháp: mở rộng quy mô các cơ sở y tế; tăng cường lực lượng lao động y tế; kêu gọi sự nỗ lực toàn xã hội; tạo thêm không gian y tế, giường bệnh, các cơ sở chăm sóc cộng đồng, đào tạo thêm nhân lực...
Ông Douglas Foo nhận định: “Lực lượng đặc nhiệm đa bộ, ngành có một chiến lược y tế toàn diện để đảm bảo rằng những người bị nhiễm COVID-19 được điều trị y tế nhanh chóng và chất lượng. Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát ở Singapore có tổng cộng 1.095 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và được xuất viện trong số 14.423 trường hợp được xác nhận mắc nhiễm. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 vẫn còn thấp, ở mức 14 trường hợp. Nhân viên y tế của chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để giữ cho các biến chứng và số ca tử vong phát sinh từ COVID-19 càng thấp càng tốt".
Theo chia sẻ của ông Douglas Foo thì những biện pháp, kinh nghiệm mà Singapore đã áp dụng khá sát với thực tế các biện pháp chống dịch tại Việt Nam hiện nay. Ông Douglas Foo đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt việc phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là trong việc khẩn trương cách ly các ca mắc và các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, truy vết dịch tễ.
Liên doanh Công ty Sakae Holdings (Singapore) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư SSF đề xuất việc chung tay cùng Đà Nẵng đối phó với COVID-19 bằng việc hỗ trợ cho thành phố một số trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm gồm: 7 máy kiểm soát đo thân nhiệt từ xa; 5 monitor màu theo dõi bệnh nhân hiệu NIHON KOHDEN Model PVM – 2701; 20 máy bơm tiêm điện (Terufusion Syringe Pump Type SS) của hãng Terumo Japan; 10 máy chuyền dịch Model HP 60; 10 tấn gạo dành cho người dân Đà Nẵng trong khu vực cách ly.