Trong những ngày qua, nhiều Facebooker (người dùng mạng xã hội) đã liên tục đăng hình, “khoe” tài nấu ăn của mọi người trong gia đình, đặc biệt cánh mày râu cũng thấy niềm vui khi vào bếp.
Tranh thủ thời gian làm việc tại nhà trong giai đoạn chống dịch COVID-19, nick Dau Tuan - anh Đậu Anh Tuấn, công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã liên tiếp đăng hình các món ăn Việt hấp dẫn do chính anh trổ tài. Dòng trạng thái được đăng mới đây: “Ngày thứ 9 lịch COVID, bếp ông Tuấn có sườn rim tiêu, đậu luộc, canh cải ngọt thịt băm và cá lóc một nắng chiên uống bia. Lần đầu làm món sườn rim tiêu nhưng cũng ổn. Xin lỗi nếu làm ai đó khó chịu vì toàn đồ ăn nhưng thực sự muốn nói rằng nấu ăn rất vui và món Việt rất tuyệt vời. Hai cô con gái nhà mình đã bắt đầu hăm hở vào bếp”.
Trước đó, Dau Tuan cũng đăng trên tường Facebook của mình các nội dung: “Ngày thứ 8 lịch COVID, thực đơn bếp ông Tuấn hôm nay là món canh riềm bò với khế chua và sấu, trứng đúc thịt cùng su hào xào. Cả sơ chế nguyên liệu và nấu chưa đến 45 phút, kể cả mấy phút ngừng cho ‘thợ ảnh’ tác nghiệp. Không tệ nhỉ! Vào bếp vui phết, buổi tối hay cuối tuần đầu bếp có thể kèm chai bia”.
Vốn là người nghiên cứu chính sách pháp luật, anh Tuấn có mối quan hệ khá rộng nên sau mỗi lần đăng, nhiều bạn bè, người quen anh Tuấn đã để lại những bình luận rất vui, bày tỏ sự ngưỡng mộ về khả năng vào bếp.
Tận dụng sân thượng rộng của gia đình, gia đình chị Huyền (nick Huyen Truong) công tác trong lĩnh vực hải quan lại có dịp quây quần bên nhau thưởng thức "Buffet nướng lẩu tại gia". Chị Huyền hào hứng kể: “Bọn trẻ vui lắm. Hiếm khi có dịp mọi người ở nhà bên nhau để trò chuyện, bày tỏ tình cảm, cùng nhau vào bếp hay trổ tài các món ăn vặt đường phố như: Bánh xèo, bánh chuối, bánh trôi chay... Bạn bè không ai nghĩ tôi có thể nấu ăn, vì trước kia gia đình tôi hay lượn lờ quán xá”.
"Tuần trước, nhà tôi còn gói bánh chưng cúng giỗ Tổ, gọi đùa đó là bánh chưng Tết lần 2", chị Vương Linh, xã Cổ Nhuế (Hà Nội) kể. Vợ chồng chị Linh có hai cậu con trai, lớp 8 và lớp 5, được nghỉ học do dịch COVID-19; người giúp việc xin nghỉ từ cuối tháng 3, nên hai vợ chồng thay nhau, vừa làm việc, vừa quán xuyến gia đình. Bữa chính của cả nhà giờ chị gọi là "đại tiệc", bởi có thời gian làm thêm nhiều món ngon.
Theo anh Quốc Dũng (ngõ 402 - Bạch Mai), trước đây anh hay phải đi ngoại giao nên tối về muộn, ít ăn cơm nhà. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, gia đình anh tuân thủ nghiên túc; đồng thời dành thời gian nhiều bên nhau để đọc sách, nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa. Cuối tuần, anh Dũng còn trổ tài làm các món “sang chảnh” mà anh từng thưởng thức ở nhà hàng như: Cá hồi nướng bơ tỏi, hàu nướng mỡ hành, trứng ngâm tương...
“Gia đình tôi thấy gắn kết, yêu thương nhau hơn nhờ làm việc nhà. Nguyên liệu hải sản ở các chợ hiện giá hợp lý, chỉ cần chịu khó vào bếp ít giờ là có được những món ăn ngon cao cấp, tiết kiệm khá nhiều chi phí nếu ăn ở nhà hàng. Các con tôi lại được vào bếp, hỗ trợ cho bố mẹ để học hỏi thêm kỹ năng sống”, anh Dũng nói.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho các thanh viên gia đình trong giai đoạn phòng dịch, ông Ngọc Vượng ở ngõ 32 phố An Dương (Quận Tây Hồ, Hà Nội) thỉnh thoảng lại trổ tài món cá hồi, loại cá chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt nhóm Omega 3 - 6 - 9. Theo ông Ngọc Vượng, dùng cá hồi để nấu các món ngon cho mùa dịch là “ngon hết thảy”. Với món cá hồi nướng bơ tỏi, cách làm vừa đơn giản, nhanh chóng, lại cung cấp đủ chất cho bữa cơm gia đình.
Đề cập về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình trong gìn giữ hạnh phúc, nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh khẳng định: Gia vị của tình yêu bắt đầu từ trong gian bếp.
"Nếu bố mẹ cùng nấu ăn cho con cái, điều đó quá hạnh phúc. Chúng ta nên duy trì bữa cơm có đầy đủ các thành viên. Bữa cơm gia đình có thêm ông bà nữa càng trở nên đầm ấm vì trong bữa cơm, chúng ta còn trò chuyện chia sẻ với nhau về một ngày đi học, đi làm. Người già thì chia sẻ kinh nghiệm sống cho con trẻ", nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh nói.