TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, trong khi những nguy cơ của biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở Việt Nam thì nhiều người vẫn còn hoài nghi về nó.
Nhận thức chưa đầy đủ
“Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tính trung bình trong 2 thập kỉ qua, mỗi năm thiên tai liên quan đến khí hậu ở Việt Nam đã gây tổn thất về người là 457 người và tài sản là 1,8 tỉ USD, chiếm khoảng 1,2% GDP. Nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người nghèo nông thôn và ven đô dễ bị tổn thương bởi BĐKH”, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết tại hội thảo đóng góp ý kiến cho đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” diễn ra hôm qua (29/1) tại Hà Nội. Đề án này sẽ được bổ sung, hoàn thiện để trình Hội nghị TW7, khóa XI sắp tới.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nguy cơ triều cường. Ảnh: Mạnh linh - TTXVN |
TS Nguyễn Văn Tài cho rằng, trước những tác động bất lợi của BĐKH cho Việt Nam nói trên, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về BĐKH còn chưa đầy đủ nên chưa có sự quan tâm đúng mức và ý thức chủ động đối phó. Trong một cuộc khảo sát trên quy mô toàn cầu về “Mối quan tâm của chúng ta đối với hiện tượng ấm lên toàn cầu”, Việt Nam là một trong những quốc gia ít lo lắng nhất về BĐKH, TS Phạm Đức Thi, Ban BĐKH, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết.
Mặc dù Việt Nam là nước sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto, tích cực triển khai các hoạt động thực hiện Công ước, xây dựng các chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, song thực tế, nhiều nơi chưa nhận thức rõ hoặc hiểu sai về các tác động tiêu cực của BĐKH ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của ngành mình, địa phương mình. BĐKH thường được hiểu gắn liền với thiên tai, bão lũ, đôi khi gắn với cả những thiên tai không liên quan trực tiếp đến BĐKH như động đất... “Mặc dù BĐKH là thách thức sống còn đối với toàn nhân loại nhưng vẫn còn tình trạng nghi ngờ về sự có thật của BĐKH và nguyên nhân gây ra BĐKH trong một số bộ phận cán bộ và người dân”, ông Tài nói.
Còn GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đánh giá Việt Nam đang từng bước thực thi “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH”. Tuy nhiên, nhận thức về BĐKH và phòng chống thiên tai còn thấp, nhiều nơi còn thiếu thông tin, phương pháp, công cụ và kinh nghiệm để đối phó với BĐKH.
Cần chủ động ứng phó
Theo dự báo về BĐKH toàn cầu, BĐKH ở Việt Nam có thể diễn biến theo kịch bản cao nhất. Cuối thế kỉ 21, nhiệt độ có thể tăng khoảng 4 độ C, nước biển có thể dâng cao khoảng 1 m. Theo mục tiêu của đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường”, đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đánh giá được các nguy cơ thiên tai; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư. Cũng theo đề án này, Việt Nam sẽ đảm bảo 100% chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và vùng có tính đến các yếu tố BĐKH.
Theo TS Nguyễn Văn Tài, Việt Nam cần phải chủ động ứng phó với BĐKH. Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới BĐKH, do đó, đến năm 2020, Việt Nam phải giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực từ 8 - 10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP từ 1 - 1,5% mỗi năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 - 20%.
Bà Pratibha Mehta đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH thời gian qua. Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh đến các khía cạnh quan trọng đối với bản dự thảo đề án trình Hội nghị TW7. Theo đó, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mang đến. Do đó, Việt Nam cần cân nhắc kĩ các quyết định đầu tư để cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường. Bà Mehta cho rằng, thích ứng với BĐKH tuy tốn kém nhưng sự đầu tư sớm sẽ được hoàn trả trong dài hạn và giúp bảo vệ tiến bộ kinh tế - xã hội.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nhiều nước đã sớm đưa vấn đề BĐKH vào chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một số nước đã thông qua Luật BĐKH làm cơ sở cho việc quản lí và triển khai các hành động ứng phó với BĐKH. Chẳng hạn, Anh đã ban hành Luật BĐKH và Nhật Bản cũng đang nghiên cứu xây dựng. Ôxtrâylia đã bắt đầu đánh thuế cácbon với mức 23 đô la Ôxtrâylia/tấn. Pháp dự kiến áp dụng mức thuế 17 euro/tấn và EU dự kiến áp dụng thuế cácbon trong lĩnh vực hàng không quy định các hãng hàng không có chuyến bay đến khu vực này phải mua lại 15% lượng khí thải cácbon. Do đó Việt Nam cũng cần sớm xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về vấn đề này.
Hoàng Dương