Đây là hội thảo đánh giá tổng kết dự án “Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam” giữa Bộ LĐTBXH và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) thực hiệntừ năm 2012 đến 2016. Dự án đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững thông qua việc rà soát, nghiên cứu và thực thi các chương trình và chiến lược quốc gia trong lĩnh vực lao động và xã hội.
Dự án đóng góp tích cực và hiệu quả đối với việc lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (2014) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) thông qua các nghiên cứu, đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn các bên liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản này. Dự án cũng thực hiện một số mô hình thí điểm áp dụng nguyên tắc việc làm bền vững và bình đẳng giới trong thực hiện chính sách trong lĩnh vực lao động, dạy nghề để rút ra các bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc hoàn thiện chính sách.
Nổi bật trong vấn đề chính sách là Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2014 và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016. Nhiều chế độ, chính sách được hoàn thiện, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động như chế độ thai sản linh hoạt hơn. Luật BHXH sửa đổi có nhiều chính sách về chế độ thai sản cho LĐN, làm tăng sự bình đẳng giới giữa lao động nam và nữ so với trước kia.Luật BHXH sửa đổi đã điều chỉnh thời gian hưởng thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
Theo đó, không chỉ người vợ được hưởng chế độ thai sản mà người chồng (lao động nam) cũng được hưởng chế độ thai sản 5 ngày (nếu vợ sinh thường); 7 ngày (nếu vợ sinh mổ - phẫu thuật hoặc sinh non dưới 32 tuần); 10 ngày (nếu vợ sinh đôi); 14 ngày (nếu vợ phẫu thuật sinh đôi). Trong trường hợp người vợ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con, người chồng được nghỉ thêm 3 ngày. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những đôi vợ chồng trẻ ở xa gia đình, đặc biệt là vợ chồng công nhân ở các khu công nghiệp. Quy định mới này được các tổ chức lao động quốc tế đánh giá cao.
Bào Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đào tạo nghề hiện nay vẫn là khâu yếu. Các chương trình nghề chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động. Khu vực phi chính thức, trong đó hộ cá thể; kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực chính thức, tiếp cận hạn chế các chương trình đào tạo nghề. Việc tiếp cận của nhóm phụ nữ, dân tộc thiểu số khó khăn hơn các nhóm khác. Do đó, trong thời gian tới tăng tính thị trường của hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề, tăng tính cạnh tranh, cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình nghề đang được tài trợ bởi ngân sách là một giải pháp cần được xem xét và cân nhắc.