Các dự án nhà ở được phân bố ở 6 địa phương gồm: Thành phố Thủ Dầu Một; thị xã Thuận An; thị xã Dĩ An; thị xã Bến Cát; thị xã Tân Uyên và huyện Bàu Bàng, dành cho các đối tượng như cán bộ công chức, công nhân. Người thu nhập thấp được ưu tiên mua nhà ở xã hội và được hỗ trợ lãi vay gói 30 nghìn tỷ là 5%/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp có đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, với tổng diện tích khoảng 270 ngàn mét vuông sàn. Như vậy, đến nay tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của Bình Dương đạt khoảng 770 ngàn mét vuông.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 3 triệu m2 sàn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, tương đương khoảng 180.000 căn, đáp ứng nhu cầu thuê của 540.000 công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp. Loại hình nhà ở này vẫn phát huy tác dụng và giải quyết một phần lớn về chỗ ở cho công nhân, người lao động làm việc trong tỉnh.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Lấy người lao động là trọng tâm, nên xung quanh nhà ở xã hội có nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng hoàn thiện như gần các khu công nghiệp, trường học, chợ, trung tâm lớn… với khoảng cách không quá 2km, đặc biệt là có tuyến xe bus đưa đón người lao động từ chỗ ở đến nơi làm việc.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng triển khai rộng rãi việc thực hiện Hướng dẫn số 801/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến các cấp công đoàn cơ sở và người lao động tại Bình Dương.