Lực lượng kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại Tà Cú (Hàm Thuận Nam). Ảnh: baobinhthuan.com.vn |
Thời tiết trên địa bàn đang bước vào những tháng cao điểm của mùa khô, những đợt nắng nóng đã làm các lớp thực bì (lá cây, cỏ khô…) tại các khu rừng trở nên khô hanh và dễ phát hỏa khi gặp lửa. Bên cạnh đó Bình Thuận là vùng khô hạn nhất cả nước, lượng mưa trung bình ít nên luôn phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao.
Bình Thuận hiện có tổng diện tích rừng trên 370.000 ha; trong đó có hơn 150.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao. Đặc biệt, khi thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ cháy rừng càng đáng báo động hơn. Hiện rừng tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết được đưa vào danh sách có nguy cơ cháy ở cấp độ V. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan rất nhanh.
Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy rừng thường bị cháy khi xuất hiện nắng nóng. Năm nay công tác phòng chống cháy rừng được triển khai nhanh chóng xuống từng địa phương và các đơn vị quản lý rừng.
Ngay từ đầu mùa khô, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện phương án “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện và hậu cần tại chỗ) trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường củng cố Ban Chỉ huy bảo vệ rừng - phòng chống chữa cháy rừng từ cấp huyện đến các xã có rừng và chủ rừng với hơn 1.000 thành viên; tập huấn nghiệp vụ chữa cháy rừng cho 150 kiểm lâm địa bàn.
Các hạng mục công trình lâm sinh phục vụ phòng chống cháy rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được nghiệm thu và đưa vào sử dụng hiệu quả như: băng cản lửa, đốt chận các điểm có nguy cơ cháy, thu gom xử lý vật liệu cháy, đưa vào sử dụng 2 chòi canh lửa tại 2 khu bảo tồn thiên nhiên…
Trước cảnh báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2018.
Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) cấp huyện thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ; thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng…
Nắng hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 9 sẽ thách thức rất lớn cho việc bảo vệ rừng. Do đó, các đơn vị kiểm lâm đang triển khai phòng chống và cảnh giác cao độ nạn cháy rừng; trong đó, làm tốt phương châm “phòng là chính, chữa cháy rừng phải kịp thời và hiệu quả”. Tuyên truyền, cảnh báo, thông báo cấp cháy rừng được đẩy mạnh song song với việc tuần tra bảo vệ rừng, đôn đốc kiểm tra thường xuyên. Các chốt trực cháy 24/24h ở các vùng rừng trọng điểm nhằm kiểm soát tốt tình hình cháy rừng, không để cháy rừng lây lan diện rộng.