Bất cập khi quy định chưa có
Trình bày tờ trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, có Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy…
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…
Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến nay còn hạn chế. Song, hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hàng ngày chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Thực tế cũng cho thấy, tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại về người và tài sản, đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Góp ý với dự thảo Luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, thời gian qua, mặc dù được quan tâm, nhưng tình hình cháy nổ, tai nạn xảy ra liên tục, ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản của người dân, xã hội. Nhiều vụ cháy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây là bài học đắt giá đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị, cần có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có sự giao thoa lớn; quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp chỉ huy, hỗ trợ liên quan đến cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của quy định về quy hoạch phòng cháy, chữa cháy chưa được quy định trong dự thảo Luật, cần đặt nội dung này trong tổng thể phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Về phòng cháy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phòng hơn chống”; đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm về nội dung này để tiếp tục phân cấp, phân quyền trong việc thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, cần rà soát kỹ Điều 14, Điều 15 dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và cụ thể hơn về phòng cháy, chữa cháy. Về phòng cháy đối với nhà ở quy định tại Điều 17, dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề được người dân quan tâm, nhưng dự thảo Luật "chưa có điểm mới, nét mới". Do đó, cần có các quy định cụ thể về nội dung này, cũng như các quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với dạng sản xuất kinh doanh.
Bổ sung đầy đủ hơn các quy định về cứu nạn, cứu hộ
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ bản tán thành tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, song, một số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần thể hiện rõ Luật này chỉ điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ do lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện.
Bổ sung nội dung điều chỉnh “quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” tại Điều 1 và rà soát, thể hiện đầy đủ các chương của dự thảo Luật. Bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục rà soát, sắp xếp để bảo đảm sự cân đối, logic giữa các chương, điều của dự thảo Luật.
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác này; phù hợp với quy định của Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì xây dựng dự thảo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để ban hành. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo đúng quy định và bảo đảm chất lượng.