Video 9 lô cốt "án ngữ" trên phố gây ùn tắc giao thông:
Đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội), chỉ dài khoảng 1,2 km từ ngã ba giao cắt với đường Trần Phú đến ngã ba giao cắt đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), nhưng có đến 9 lô cốt" rào chắn cứng phục vụ dự án Hệ thống cống nước thải Yên Xá, đang ngừng thi công, chình ình 2/3 tuyến phố. Các "lô cốt" này tạo thành nút cổ chai, gây ùn tắc giao thông, vẫn chưa được tháo dỡ, giải tỏa, mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội cấp bách xử lý, có giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc trong năm 2022.
Chín lô cốt rào chắn này đã dừng thi công từ lâu. Sở GTVT Hà Nội đã rút giấy phép, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu dỡ rào chắn để mở rộng lòng đường, phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Nhiều người tham gia giao thông qua tuyến phố phản ánh, hàng ngày phải lưu thông qua khu vực này, nhưng ngày nào cũng gặp cảnh ùn tắc kéo dài, càng giáp Tết càng ùn tắc nghiêm trọng. Cứ tới lô cốt là phương tiện phải xếp hàng "rồng rắn" như qua "trạm thu phí", trong khi lô cốt bỏ hoang, còn người dân thì khổ sở qua lại. Phải chăng, chính quyền các cấp bất lực trước thực tế này?
Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Sở đã đề nghị chủ đầu tư báo cáo rõ các nội dung liên quan đến việc chưa triển khai thi công các dự án hạ tầng trên các tuyến phố Trần Phú, Phùng Hưng, Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) và khẩn trương thu hồi các vị trí rào chắn; đồng thời, báo cáo UBND TP Hà Nội các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục. Dự án Hệ thống cống xử lý nước thải Yên Xá có tổng số 106 giếng, trong đó 87/106 giếng đã được Sở GTVT cấp phép thi công. Đối với các giếng đã hoàn thành giai đoạn thi công chuẩn bị sang giai đoạn hoàn thành, chủ đầu tư phải chỉ đạo nhà thầu thi công tổng hợp đầy đủ vị trí, báo cáo Sở gia hạn giấy phép để hoàn thiện thi công, thu dọn rào chắn, hoàn trả mặt bằng, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.
Qua tìm hiểu, dự án Hệ thống cống xử lý nước thải Yên Xá là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội. Để tiếp tục phối hợp bảo đảm tiến độ triển khai dự án, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch, tiến độ, phương án phân luồng bảo đảm giao thông phù hợp với biện pháp thi công và tiến độ thi công từng giai đoạn, nhằm ảnh hưởng ít nhất đến giao thông trên tuyến. Bên cạnh đó, phải bố trí đầy đủ lực lượng phân luồng giao thông, lắp đặt đẩy đủ hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, đèn quay, đèn báo hiệu... nhưng vẫn chưa thấy triển khai.
Việc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư sớm tháo dỡ các lô cốt nêu trên mới đây không phải là lần đầu tiên, vì trước đó, cuối tháng 10/2022, Sở GTVT Hà Nội cũng đã yêu cầu đơn vị này thực hiện. Hiện tại, tất cả các lô cốt này đều được quây kín tôn, bên trong công trường đều đã được đào thành hố sâu, nhưng đang bỏ hoang.
Trước tình trạng lô cốt án ngữ kéo dài, dư luận xã hội đang đặt nhiều câu hỏi, vì sao đơn vị cấp phép không căn cứ vào quy định, thu hồi và yêu cầu nhà thầu hoàn trả mặt bằng để người dân đi lại khi dự án ngừng thi công kéo dài cả năm nay; việc để ùn tắc khi rào chắn, ai chịu trách nhiệm cho người dân, nhất là dịp giáp Tết?...
Trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang là bài toán khó giải đáp của thành phố, gây bức xúc nhất và cũng cần xử lý sớm nhất đối với người tham gia giao thông, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng từ thành phố tới quận cần khẩn trương xử lý, hạn chế những hệ lụy phát sinh. Thực tế, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, các dự án hạ tầng giao thông của thành phố lúc đầu khởi công hoành tráng, rồi sau đó thi công ì ạch, chậm tiến độ, bỏ dở, đã và đang gây ra những hệ lụy tất yếu như ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới sinh hoạt, môi trường sống của người dân xung quanh khu vực này.
Dự án Hệ thống cống xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm có tổng vốn đầu tư 16.300 tỷ đồng, với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Công trình được khởi công xây dựng năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2022, nhưng đang bị chậm tiến độ.