Cá nuôi trong đầm Ô Loan chết hàng loạt do mật độ nuôi quá dày

Tình trạng cá mú, cá hồng nuôi bằng lồng trong đầm Ô Loan thuộc địa bàn xã An Ninh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chết hàng loạt trong 2 tháng gần đây được xác định là do mật độ nuôi quá dày, vệ sinh khu vực nuôi không đảm bảo, cá bị nhiễm khuẩn Vibrio spp.

Người dân đang san thưa cá trong lồng để cứu cá. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Kết quả các đợt quan trắc môi trường do Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên thực hiện từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2017 cho thấy, tại một số thời điểm mật độ Vibrio spp trong nước tại khu vực thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông vượt giới hạn cho phép từ 1,37 đến 2,42 lần; hàm lượng o-xy hòa tan thấp hơn ngưỡng cho phép....

Từ kết quả phân tích trên đã xác định tình trạng bùng phát dịch bệnh trên cá nuôi là do mật độ lồng, bè nuôi quá dày và đặt lồng nuôi gần bờ với độ sâu chỉ từ 1 - 2 mét nước làm lưu tốc dòng chảy kém, các loại sinh vật bám xung quanh lồng nuôi làm cản trở sự lưu thông nước; đồng thời tạo điều kiện cho rận cá phát triển mạnh và bám vào cơ thể cá gây lở loét trên da nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong cơ thể cá.

Bên cạnh đó, khi cá nuôi xuất hiện bệnh rải rác, người nuôi không báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng để kiểm tra và hướng dẫn cách phòng, trị bệnh mà tự ý điều trị theo kinh nghiệm nên không đem lại hiệu quả, làm cho cá bệnh ngày càng tăng, chết và lây lan trên diện rộng.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, qua kiểm tra thực tế ngành đã khuyến cáo người nuôi nhanh chóng giãn thưa lồng và giảm mật độ nuôi trong mỗi lồng; hạn chế tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ sử dụng cá tạp chất để làm thức ăn cho cá bằng cách sát khuẩn trước khi cho ăn.

Cùng với đó, kết hợp sử dụng vitamin tổng hợp và các khoáng chất trộn vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi và di chuyển lồng đến vùng nuôi có độ mặn phù hợp; khi cá bị bệnh cần thực hiện theo đúng phát đồ điều trị đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn. Khi phát hiện cá chết phải lập tức vớt khỏi lồng và đem chôn trong hố có rải vôi....


Về lâu dài, UBND huyện Tuy An phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức quy hoạch chi tiết và cấp phép vùng nuôi thủy sản chặt chẽ phù hợp với quy hoạch tổng thể được duyệt; không giao mặt nước cho dân nuôi trồng thủy sản tại các vùng nước không nằm trong quy hoạch....

Theo thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trên địa bàn xã An Ninh Đông có 1.560 lồng nuôi cá với khoảng 124.800 con, trong số đó có 17.472 con cá mú và 7.128 con cá hồng, trọng lượng từ 0,4 kg đến 1 kg bị chết.

Thế Lập (TTXVN)
Khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết trên sông Cổ Cò, Đà Nẵng
Khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết trên sông Cổ Cò, Đà Nẵng

Liên quan đến việc cá chết hàng loạt trên sông Cổ Cò, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vào ngày 17/7, UBND quận Ngũ Hành Sơn đang khẩn trương phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trung tâm Kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường) lấy mẫu nước và mẫu cá để xét nghiệm, sớm tìm ra nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN