Theo các cơ quan chức năng, hiện nay các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thường sử dụng 2 chiêu thức chính là mạo danh các tổ chức, đơn vị để lừa đảo chiếm đoạt tiền và nháy máy để phát sinh cước quốc tế.
Chiêu “bình mới rượu cũ”
Nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại vẫn theo cách thức cũ là mạo danh các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm chiếm đoạt tài sản. Kịch bản quen thuộc của tội phạm là gọi điện nhắn tin mạo danh công an, viện kiểm sát, "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền... và yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu hoặc chuyển tiền đến tài khoản được chỉ định để phục vụ công tác điều tra.
Một số trường hợp là các cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài và yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà.
Đơn cử như mới đây, bà P.T.N.Y (xã Xuân Thọ, Đà Lạt, Lâm Đồng) bị nhóm lừa đảo gọi điện đến, dọa rằng bà liên quan đến đường dây tội phạm buôn ma túy và rửa tiền. Quá lo sợ, bà Y. đến ngân hàng chuyển 126 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của chúng. Sau khi về nhà, bà Y. nghi bị lừa nên quay lại ngân hàng trên, nhờ chặn giao dịch. Nhưng lúc này, số tiền của bà Y. đã chuyển vào tài khoản của nhóm lừa đảo.
Trước đó, tại Đà Lạt cũng có một trường hợp sắp chuyển 500 triệu đồng cho kẻ gian thì được ngăn chặn kịp thời. Bà B.T.L (Đà Lạt) cũng bị bọn lừa đảo giả danh "cán bộ Bộ Công an", gọi điện dọa nạt, uy hiếp tinh thần, buộc phải chuyển 500 triệu đồng cho chúng.
Tại Hà Nội, ông LVQ (gần 70 tuổi) nhận cuộc gọi có đầu số lạ hoắc. Đầu dây bên kia mời ông đến bưu điện nhận quà từ Mỹ, do cháu đích tôn của ông gửi về. Mới đầu, ông Q thấy thông tin trùng khớp với việc cháu trai mình đang đi học tại Mỹ. Đến khi đối tượng bảo ông phải chuyển phí trước là 200 USD thì mới được nhận quà, ông sinh nghi, ra bưu điện hỏi thăm thì biết đó chỉ là trò lừa nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tại hội thảo về an toàn, an ninh mạng Việt Nam gần đây, lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong nhóm tội phạm lừa đảo thông qua không gian mạng, nhiều đối tượng tiến hành lừa đảo qua tin nhắn rác, nhắn tin làm quen, gửi quà hoặc giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản; nhắn tin trúng thưởng; chiếm quyền tài khoản xã hội; mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp. Thậm chí, có cả người nhà của cán bộ công an cũng bị lừa đảo với số tiền cả tỷ đồng.
Trước khi gọi điện, bọn tội phạm đã tìm hiểu thông tin về một số gia đình có con, cháu đang học tập, sinh sống tại nước ngoài. Đó thường là thông tin có thật để chúng "xoáy" vào rồi "moi" tiền từ nạn nhân nếu họ sơ ý không kiểm tra, xác thực thông tin.
“Các đối tượng lúc thì dọa nạt, lúc thì ngon ngọt để dụ dỗ nạn nhân nên người dân cần nâng cao cảnh giác. Các nhóm đối tượng lừa đảo lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để doạ là họ có liên quan đến đường dây tội phạm như: ma tuý, rửa tiền… hoặc các vụ án hình sự khác. Thậm chí chúng còn làm giả lệnh bắt giam, khởi tố gửi đến nạn nhân thông qua mạng xã hội, làm tăng mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, trên thực tế, những hoạt động điều tra đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cụ thể là cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, chứ không mới làm việc, thông báo qua điện thoại. Trường hợp người dân nhận được những cuộc gọi điện thoại lạ, xưng là người của cơ quan công quyền hay yêu cầu chuyển tiền thì lập tức báo với cơ quan Công an gần nhất để phối hợp điều tra, xử lý”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.
Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, khi gặp các cuộc gọi lừa đảo như trên, khách hàng cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) để được hướng dẫn kịp thời. Đồng thời, VNPT thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông như website, tổng đài chăm sóc khách hàng, tin nhắn... để nâng cao mức độ cảnh giác.
Lừa đảo phát sinh cước quốc tế
Trong khi đó, loại hình lừa đảo nháy máy di động xuất hiện bắt đầu tại Việt Nam từ năm 2011 nhằm phát sinh cước quốc tế. Hiện tượng này bùng phát theo đợt với nhiều hình thức khác nhau. Dù thường xuyên được nhà mạng cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người mắc lừa và có người hóa đơn thanh toán cước phí này lên tới cả triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, chuyên gia công nghệ thông tin, hình thức lừa đảo này có 2 loại: Số điện thoại dịch vụ tổng đài và số điện thoại ảo tạo ra bằng máy tính. Hình thức này không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng bị. Những đầu số lạ liên tục nháy máy để nạn nhân gọi lại, tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo nhận tiền từ nhà mạng.
Để kéo dài cuộc gọi và tạo sự bán tín bán nghi, những kẻ lừa đảo sẽ giả phát âm tiếng Anh, hoặc tiếng kêu cứu, tiếng khóc, la hét... Những cuộc gọi này thường thực hiện vào lúc nửa đêm về sáng. Nhiều khách hàng thấy cuộc gọi nhỡ mà gọi lại thì bị trừ rất nhiều tiền, tuy nhiên chúng tôi khẳng định những khách hàng nhận cuộc gọi đến thì không bị trừ tiền.
"Chúng tôi khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng, không nên nghe hay gọi lại những số điện thoại lạ gọi từ nước ngoài, vì đây có thể là một hình thức trộm cước viễn thông quốc tế", đại diện Vinaphone cho biết.
Để tránh thiệt hại không đáng có, nhà mạng cung cấp cho khách hàng một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo như: Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam). Các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại.
Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại. Khách hàng không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Đại diện VNPT cho biết, khi có thông tin phản ánh của khách hàng, nhà mạng đã cập nhật các biện pháp kỹ thuật chủ động phân loại và chặn các cuộc gọi đến từ các các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn, đồng thời thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông.
Trong khoảng 2 tháng gần đây, VNPT áp dụng thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (các thông tin khai thác không phải thông tin riêng của người sử dụng), đầu code số điện thoại không đúng quy định với tiêu chuẩn quốc tế… để xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác hoặc lừa đảo và ngăn chặn trong thời gian thực.
Các nhà mạng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ các đầu số lạ quốc tế gọi hoặc nháy máy, nhắn tin vào số điện thoại của mình, đặc biệt vào các thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp.
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông yêu cầu triển khai những biện pháp truyền thông và kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng giả mạo số điện thoại để lừa đảo. Theo thống kê của Cục Viễn thông, phân tích những cuộc gọi giả mạo bị chặn bằng công nghệ AI thì những cuộc gọi có mã quốc gia không có thực chiếm 70,24%, những số có cấu trúc số cố định của Việt Nam chiếm 15,97%, những số có cấu trúc số di động của Việt Nam nhưng độ dài khác 11 chữ số chiếm 2,29%. Những số có cấu trúc số di động của Việt Nam nhưng mã mạng di động đó chưa được Cục Viễn thông phân bổ chiếm 1,77% và số có cấu trúc số di động của Việt Nam nhưng số thuê bao di động đó chưa được Cục Viễn thông phân bổ chiếm 9,73%.