Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 3

Ngày 18/7, kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương của tỉnh Nam Định không chủ quan với bão và mưa lũ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình ngập úng lúa tại xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Không để còn phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm

Kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão tại huyện Xuân Trường và Giao Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Nam Định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, do đó dự báo sẽ có mưa lớn kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, tỉnh Nam Định cần kiểm tra lại toàn bộ nơi tránh trú tàu thuyền, không để còn có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Các địa phương ven biển của tỉnh khẩn trương rà soát toàn bộ vị trí đê, kè xung yếu, nhất là những vị trí đê, kè bị sạt trong mùa mưa bão năm 2017; đồng thời vận động các hộ nuôi trồng thủy sản tranh thủ thu hoạch con nuôi đã đến kỳ thu hoạch. Các địa phương thông báo cho bà con nông dân giữ lại mạ dự phòng, chưa cấy hết để khi nước rút tranh thủ gieo cấy trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, ngành nông nghiệp Nam Định xem xét, tính toán khung thời vụ trong các vụ sau, có thể tính tới phương án gieo cấy sớm hơn và chuẩn bị lượng mạ dự phòng để chủ động khắc phục khi xảy ra ngập úng đầu vụ. Các công ty Khai thác công trình thủy lợi tập trung hết công suất bơm tiêu úng cứu lúa…

Theo báo cáo của tỉnh Nam Định, toàn tỉnh đã cấy và sạ được 61.750 ha lúa mùa, đạt 76% kế hoạch diện tích gieo cấy. Theo kế hoạch dự kiến đến ngày 20/7, toàn tỉnh sẽ gieo cấy xong 100% diện tích. Tuy nhiên, từ ngày 13/7 đến nay, tại Nam Định có mưa vừa, có nơi mưa to đã làm khoảng 26.000 ha lúa bị ngập úng, chiếm hơn 40% diện tích lúa đã cấy.

Tính đến chiều 18/7, toàn bộ 2.124 tàu với 5.726 lao động tỉnh Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn. Các địa phương ven biển Nam Định cũng đã kêu gọi toàn bộ 1.317 lao động tại 1.024 lều, chòi ở vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào bờ.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống bão

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chiều 18/7, UBND tỉnh Nghệ An đã họp khẩn với các đơn vị, địa phương và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để bàn biện pháp chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 đang có nguy cơ đổ bộ vào địa phương. Ngay sau cuộc họp, chiều 18/7, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại một số địa phương trong tỉnh.

Tại Nghệ An, trong những ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 3, trên địa bàn tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Nhiều tuyến đường trong tỉnh đang bị sạt lở đất đá, ngập nước, hư hỏng, không thể đi lại, trong đó Quốc lộ 48E đoạn qua xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) và tỉnh lộ 534B đoạn qua xã Thanh Sơn (huyện Anh Sơn) đang bị ngập, không thể qua lại. Do nhiều tuyến đường bị ngập nước, sạt lở đất đá, nhất là các tuyến đường liên xã, liên thôn nên nhiều bản làng đang bị chia cắt. Tính đến chiều 18/7, trên địa bàn tỉnh đã có một nhà bị sập, 4 nhà bị sạt lở; trên 8.858 ha lúa, 3.366 ha ngô và rau màu các loại bị hư hỏng, 431 ha ao nuôi thủy sản bị ngập tràn…

Chú thích ảnh
Các chủ kinh doanh tại bãi biển Cửa Hội (Nghệ An) dùng bao cát gia cố kiốt trước cơn bão số 3. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, có khả năng tâm bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình trong đó có Nghệ An, do đó việc chống bão số 3 đang trở nên cấp bách, cần thiết hơn tất cả. Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Đường yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cùng các đơn vị, địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn;

Kiên quyết thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là những nơi bão có khả năng đổ bộ và phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 18/7/2018; huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, hầm mỏ, bến bãi, chặt tỉa cành cây; kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt…

Kiểm tra tại một số chung cư cũ, được xây dựng hàng chục năm, đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, không an toàn, nhưng vẫn có người đang ở, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đề nghị các đơn vị, địa phương kiên quyết di dời hoặc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trước diễn biến phức tạp của bão số 3; đề nghị các hộ dân không được chủ quan, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Theo báo cáo nhanh của của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 3.8 phương tiện với 18.189 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản, đến chiều 19/7, tất cả các tàu thuyền đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. Toàn tỉnh có trên 625 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ, trong đó hiện đang có 121 hồ đầy nước.

Triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè

Là một trong những lực lượng chủ lực phòng, chống bão, lụt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã tích cực, khẩn trương thực hiện các công điện của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình về chủ động phòng, chống bão số 3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản, các đầm, chòi, bãi nuôi trồng thủy sản bắt đầu từ 12 giờ ngày 17/7; cử ba đoàn công tác xuống địa bàn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống bão số 3...

Đến thời điểm này, tất cả các phương tiện hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình đã về bến neo đậu, không còn phương tiện nào hoạt động trên biển. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng số 1.239 tàu với 3.608 ngư dân làm ăn trên biển. Đến nay, có 50 phương tiện neo đậu ở các bến ngoài tỉnh, còn 1.189 phương tiện đã neo đậu ở các bến trong tỉnh. Các lao động ở tất cả số phương tiện này đều liên lạc được với gia đình. Các lao động ở 1.544 chòi ngao trên địa bàn cũng đã vào bờ...

Lúc 9 giờ 15 phút ngày 18/7, tại đê biển số 5, thuộc địa bàn xã Nam Phú huyện Tiền Hải, đoạn đê từ K 7,5 đến K 8,2 bị sạt lở 5 điểm dài khoảng 240 m phía trong đê. Nguyên nhân ban đầu xác định do mưa lớn kéo dài. Đến 13 giờ cùng ngày, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã huy động 50 cán bộ chiên sỹ cùng lực lượng địa phương xuống địa bàn tham gia ứng cứu...

Để khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 3 và nước biển dâng do bão, trưa 18/7, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tiếp tục yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện nghiêm túc các công điện khẩn, công điện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng khơi thông dòng chảy trên các sông trục, kênh, mương ở khu vực nội đồng và khu dân cư; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu úng cục bộ, khoanh vùng tiêu úng phòng mưa lớn, gây ngập úng lúa, hoa màu và khu dân cư... Đồng thời khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản ở các khu vực úng, trũng không theo quy hoạch, chủ động thu hoạch thủy hải sản có thể thu hoạch được và hoàn thành việc thu hoạch này trước 15 giờ cùng ngày.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ biên phòng tỉnh Thái Bình kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Công ty Điện lực Thái Bình cần sẵn sàng phương án để khẩn trương khắc phục những sự cố có thể xảy ra, sớm cấp điện, phục vụ công tác tiêu úng và sinh hoạt của người dân.

Lực lượng chức năng tỉnh cũng triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, nhất là các khu vực xung yếu theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ), để bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân; đặc biệt chú ý hệ thống đê cửa sông, đê biển. Đồng thời, chủ động triển khai phương án chống tràn đối với các tuyến đê bao, đê bối; di dời người và tài sản ở các khu vực bối, bãi thấp ven sông, ven biển thuộc các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, hồi 16 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở ngay trên vịnh Bắc bộ và cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình. Vùng biển ngoài khơi Thái Thụy-Tiền Hải của tỉnh Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Phó Thủ tướng chỉ đạo theo dõi chặt diễn biến bão số 3 để chủ động ứng phó
Phó Thủ tướng chỉ đạo theo dõi chặt diễn biến bão số 3 để chủ động ứng phó

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp tới các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn tàu thuyền, ứng phó với úng ngập, sạt lở đất khi mưa lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN