Các địa phương đồng loạt triển khai giải pháp cấp bách chống dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi, các địa phương đã đồng loạt triển khai các giải pháp cấp bách nhằm khống chế, ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

"Hỏa tốc" triển khai các giải pháp

Ngày 14/3, tỉnh Quảng Trị đã có công văn hỏa tốc số 02/CT-UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh Quảng Trị thông qua các hoạt động vận chuyển, mua bán, tiêu thụ thịt lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Công văn nêu rõ trách nhiệm của các Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn cần nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên cụ thể. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra, vào địa bàn. Nghiêm cấm vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng...

Mặt khác, tỉnh chủ động bố trí kinh phí của địa phương, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra. Trước mắt, địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện đàn lợn tại địa phương có dấu hiệu của bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì phải tổ chức bao vây khoanh vùng ngay, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch khác theo hướng dẫn cơ quan chuyên môn thú y.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại Quốc lộ 1A, thôn Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (giáp với tỉnh Quảng Bình); chốt thứ hai tại Ngã Tư đất, thuộc đường Hồ Chí Minh, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh...

Chú thích ảnh
Một chốt kiểm soát dịch động vật tại vùng dịch. Ảnh: baothanhhoa.vn

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 9 xã thuộc 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 664 con lợn với tổng trọng lượng gần 40.000 kg.

Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho biết, địa phương đã thành lập 9 chốt kiểm soát cấp huyện và 6 chốt kiểm soát đặt ở 3 xã có dịch là Định Long, Định Bình, Định Thành. Các chốt tăng tần suất hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh lợn và thịt lợn ra, vào địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn sống và sản phẩm thịt lợn, phủ tạng và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Ngoài 1.3 lít hóa chất tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ, địa phương đã chủ động mua thêm 600 lít hóa chất và 2 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng…

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, để thực hiện triệt để, kiên quyết công tác phòng, chống dịch bệnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Công điện khẩn trước đó của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách nhằm quản lý chặt chẽ đàn gia súc, đặc biệt là đàn lợn của từng hộ gia đình, từng thôn, từng xã, từng huyện, thị xã, thành phố, cô lập, xử lý triệt để các ổ dịch, kiên quyết không để dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm trên địa bàn tỉnh. Nếu có phát sinh, phải phát hiện sớm, xử lý kịp thời, quyết liệt và triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan.

Quản lý chặt đàn lợn, không để phát sinh ổ dịch mới

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng đưa đàn lợn chết do dịch tả châu Phi tại TP Uông Bí, Quảng Ninh đi tiêu hủy. Ảnh: TTXVN phát

Tại tỉnh Quảng Ninh, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 5 hộ/5 xã/4 huyện. Nhằm phòng chống hiệu quả dịch bệnh này, UBND tỉnh đã ra công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành có liên quan cấp bách triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống với mục tiêu quyết tâm không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp huyện và xã chủ động cấp kinh phí phòng chống dịch, trong đó bao gồm kinh phí tiêu hủy lợn bệnh, hoạt động các chống kiểm soát, mua vôi và hóa chất, vật tư phòng và dập dịch, chi trả kết quả các mẫu xét nghiệm… Đặc biệt triển khai ngay nguồn kinh phí mua vôi bột và hóa chất để hỗ trợ người dân khử trùng, diệt độc.

Bên cạnh đó, liên tục thành lập các đoàn công tác cấp huyện kiểm tra, triển khai phòng chống dịch bệnh và yêu cầu tất cả các xã thành lập đoàn công tác để trực tiếp đến từng hộ chăn nuôi thực hiện thống kê, tuyên truyền các chủ hộ theo dõi chặt chẽ tình hình đàn lợn nuôi.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chỉ đạo và thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phải chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin kịp thời, chính xác cho người dân nắm được các diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yên cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, ổn định tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang dư luận.

Tính đến ngày 14/3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 5 ổ dịch lợn châu Phi, tiêu hủy 176 con lợn bị nhiễm bệnh. Ổ dịch mới nhất vừa được phát hiện tại thành phố Uông Bí vào ngày 13/3, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại thị xã Đông Triều vào ngày 8/3.

Trong khi đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 425/KH-UBND về hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Gia Lai.

Theo đó, khi chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, đặc biệt là huyện có đường biên giới giáp với Campuchia tổ chức đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam, xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp vi phạm. Khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, địa phương cần báo cáo, tham mưu, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh để chỉ đạo phòng chống, dịch bệnh. Đồng thời, đến ngay các địa phương có dịch bệnh, nguy cơ bị dịch bện uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.

Mục tiêu của kế hoạch là nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tỉnh, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; hoạt động của cư dân biên giới tỉnh Gia Lai với Vương quốc Campuchia. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp heo mắc bệnh trên địa bàn tỉnh để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội, môi trường do dịch bệnh gây ra.

Nhóm phóng viên thường trú (TTXVN)
Họp khẩn bàn giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi
Họp khẩn bàn giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp và chiều hướng lây lan ra diện rộng của dịch tả lợn châu Phi, chiều 14/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN