Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai
Để tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ ngành triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17/8; đồng thời tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Đối với các tỉnh ven biển tập trung kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24 giờ để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. lực lượng chức năng cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa.
Các địa phương xác định những vị trí có thể xảy ra ngập úng cục bộ khu đô thị, sản xuất nông nghiệp và thông báo đến người dân; trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trong các ngày 18 và 19/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai do đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai làm trưởng đoàn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Bát Xát; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa và nạn nhân bị lũ cuốn trôi tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa.
Chính quyền các địa phương đã thăm hỏi động viên gia đình có người bị nạn, hỗ trợ kinh phí cho người bị chết, bị thương theo quy định. Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ nắm bắt tình hình sạt lở và tiến hành hót đất sụt, sạt tại các vị trí. Đến nay, các tuyến cơ bản đã được thông xe tạm thời.
Đối với hậu quả do mưa lớn và sạt lở đất xảy ra tại tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Yên Bái, các huyện Trấn Yên, Văn Yên đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã huy động lực lượng khắc phục thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ hót dọn tạm thời các tuyến đường sạt lở taluy để đảm bảo giao thông thông suốt.
Tại các khu vực ngầm tràn, địa phương bố trí người canh gác, nghiêm cấm các phương tiện đi qua.
Tuy không ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 nhưng mưa lớn trên diện rộng đã gây thiệt hại cho thành phố Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc. Hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn trong những ngày tới. Để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp và giảm úng ngập cho các khu dân cư vùng ngoại thành, các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội đang tập trung vận hành hệ thống tiêu úng 46 trạm với 171 máy bơm, tổng lưu lượng 470.000m3/giờ.
Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
Theo phóng viên TTXVN tại tỉnh Lào Cai, từ đêm 18/8 đến rạng sáng 19/8, trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có mưa vừa, mưa to và gây sạt lở nhiều nơi. Thống kê mới nhất của cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cho biết, đã có 40 ngôi nhà, 3 trường học và 3 công trình thủy lợi hư hỏng, hơn 35 ha lúa ngập úng; 2 cột điện bị gãy đổ...
Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, gây tắc nghẽn cục bộ. Đường Quốc lộ 279 bị sạt lở ta luy dương tại 7 vị trí, khối lượng sạt lở là khoảng 284 m3, nhiều điểm bùn đất tràn mặt đường. Trên Quốc lộ 4D sạt lở 1.000m3 tại Km 108+500. Đặc biệt, một trận lũ ống xảy ra vào chiều 18/8 đã cuốn trôi hơn 2 tấn cá, hàng trăm con gia cầm, vùi lấp 3 ha lúa đang thời kỳ làm đòng và trên 2 ha cây hoa màu, cùng nhiều cây lâm sản tại xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn. Lũ về quá mạnh đã khiến một đoạn Quốc lộ 279 (km 129+500) đi qua địa phương này bị hàng nghìn mét khối đất đá vùi lấp, hư hỏng nặng. Đến 18h cùng ngày, tuyến đường này đã được thông xe.
Ngoài ra, tại Tỉnh lộ 158 cũng bị sạt sụt 30 điểm, trong đó có một điểm tại thôn Tùn Qua, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, đến 7h ngày 19/8 vẫn chưa lưu thông được. Tương tự, tại Tỉnh lộ 153 cũng bị sạt ta luy dương 7 điểm với 8.000m3, hiện ô tô chưa lưu thông được. Ngoài ra, còn có 13 tuyến đường giao thông do các địa phương quản lý bị sạt lở, hư hỏng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến 16 h ngày 19/8, Lào Cai có 2 người chết, 3 người bị thương và 1 người mất tích, 51 nhà, 7 công trình thủy lợi, 4 trường học bị hư hỏng, 28 cột điện bị gãy đổ, hàng trăm ha lúa và hoa màu bị vùi lấp. Đặc biệt, các tuyến đường giao thông ở Lào Cai bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính trên 6 tỷ đồng.
Theo thống kê ban đầu, địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có 103 nhà bị ảnh hưởng trong đó có 7 hộ ở huyện Văn Yên phải di dời người và tài sản, 74 hộ tại thành phố Yên Bái bị ngập nước, 22 ngôi nhà ở huyện Trấn Yên bị sạt lở taluy.
Tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái, 698,9ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị thiệt hại do ngập úng; 20,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại huyện Trấn Yên và Văn Yên bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị ngập úng gây cản trở về giao thông. Tuyến đường tỉnh 166 (đường Âu Lâu – Đông An) có 2 vị trí ngập sâu 1m; đường Hợp Minh – Mỵ tại km 2+50 ngập sâu 1m, dài 150m; đường tỉnh 163 (Đường Yên Bái – Khe Sang) tại km 74+15, km82+600, km 44+500 bị ngập sâu do nước sông Hồng dâng cao.
Thành phố Yên Bái có 18 tuyến đường giao thông bị ngập thuộc các xã, phường: Âu Lâu, Giới Phiên, Văn Phú, Hợp Minh, Nam Cường Hồng Hà, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh. Nhà văn hóa thôn Quyết Tiến, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên bị hư hỏng do sạt lở. Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, mưa lớn đã làm 420,93ha sản xuất nông nghiệp bị ngập; trong đó, 83,93ha bị ngập trắng, 337ha bị ngập 1/2 cây lúa... chủ yếu tại thị xã Sơn Tây, các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ...