Đó là các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (Internet, game-online); các trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà.
Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu tiếp tục tạm dừng việc tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay, Airbnb; nghi lễ, hoạt động tôn giáo có tập trung từ 20 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động, hội họp tập trung trên 20 người; tụ tập trên 20 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Ngoài những lĩnh vực trên, các lĩnh vực còn lại được phép hoạt động và phải thực hiện nghiêm theo các nội dung quy định của Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoạt động an toàn trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 do cơ quan nhà nước ban hành; chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương...
Tối cùng ngày, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông báo về phương án tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn. Trong đó, hoạt động vận tải khách bằng xe taxi, xe hợp đồng (dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ) hoạt động bình thường. Về hoạt động xe buýt, Sở Giao thông vận tải sẽ công bố các tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động trở lại sau ngày 3/5. Riêng các tuyến không trợ giá và liên tỉnh liền kề, hoạt động trở lại theo phương án khai thác tuyến do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố công bố biểu đồ chạy xe đã được thống nhất phương án với Sở Giao thông vận tải tỉnh liền kề có liên quan...
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí Đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
* Tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới khi được xếp vào nhóm “nguy cơ thấp” và đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Theo đó, tỉnh chủ động xây dựng các giải pháp “sống chung với dịch” và có kiểm soát, chủ động thích ứng với diễn biến của dịch; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; dồn sức cao độ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh rà soát, phân nhóm đối tượng dự kiến được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Từ đó đề xuất với Chính phủ bổ sung một số nhóm đối tượng khó khăn nhưng chưa được quy định trong dự thảo của Chính phủ. UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thẩm định hồ sơ, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, tuyệt đối không để xảy ra lợi dụng, trục lợi trái quy định. Các cấp, ngành trong tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Hà Tĩnh tiếp tục tạm dừng tổ chức các lễ hội văn hóa, giải thể thao, các sự kiện tập trung đông người cho đến khi có thông báo mới. Người dân tổ chức việc cưới, tang với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo và nhân dân hạn chế tập trung đông người.
Hiện tại, Sở giao thông vận tải Hà Tĩnh đã cho các phương tiện cộng cộng, xe buýt, xe taxi được hoạt động trong nội tỉnh, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng hơn 200 trường học là chỗ cách ly tập trung nay đã bàn giao công dân về địa phương; đồng thời lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường khi đảm bảo các điều kiện.
Hà Tĩnh đã phân loại các cơ sở cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo các nhóm: Chưa được hoạt động; được hoạt động trong điều kiện hạn chế và được kiểm soát theo dõi nghiêm ngặt trong công tác chống dịch.
Hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã qua 10 ngày không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới; có 3 bệnh nhân dương tính đã khỏi bệnh và được cách ly, theo dõi tại gia đình; chỉ còn 01 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Cầu Treo. 7.433 người đã hoàn thành cách ly tập trung, chỉ còn 113 trường hợp được cách ly tập trung tại 19 cơ sở; 21.000 người đã hoàn thành cách ly tại nhà, nơi cư trú.
*Chiều 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, sau 23 ngày triển khai hiệu quả việc giãn cách xã hội, thời gian tới Nam Định sẽ thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, từ ngày 24/4, Nam Định cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa không thiết yếu như: cà phê, quán nước trà, cửa hàng ăn uống hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo quy định phòng dịch.
Cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trở lại làm việc bình thường, đầy đủ. Học sinh lớp 9 và khối trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại từ ngày 27/4 (các trường hợp còn lại sẽ trở lại học vào đầu tháng 5). Các phương tiện giao thông lưu thông nội tỉnh như: xe buýt, taxi, xe hợp đồng được phép hoạt động trở lại song phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch (phương tiện vận chuyển hành khách liên tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải).
Nam Định cũng dỡ bỏ 4 chốt kiểm soát dịch bệnh tại nút giao thông Cao Bồ trên quốc lộ 10 (xã Yên Hồng, huyện Ý Yên); ngã ba cầu Tân Đệ (xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc); trên quốc lộ 21A và 21B (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc)...
Để hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, Nam Định vẫn tạm thời đóng cửa, ngừng đón khách tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, thư viện, bảo tàng đến ngày 3/5. Đồng thời, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người; cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, xông hơi, massage, điểm cung cấp trò chơi internet cho đến khi có thông báo mới. Tỉnh cũng chưa tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, thi đấu thể thao trên địa bàn…
Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, tính đến ngày 23/4, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Toàn tỉnh có 7 ca bệnh nghi ngờ đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cơ quan chức năng của tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn và thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú cho trên 5.600 trường hợp tiếp xúc gần với những người có nguy cơ cao; trong đó, 5.520 trường hợp đã qua 14 ngày.