Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai 12 dự án giao thông lớn ở Hà Nội như: Xây dựng cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, cải tạo quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi...
Các trụ cầu P11, P12, P13 cầu Vĩnh Thịnh bên phía Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang được thi công. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Khi hoàn thành các dự án này sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội thủ đô và vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, nhiều dự án đến thời điểm này đang bị chậm tiến độ do các địa phương chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công. Thực tế này cần sớm được các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tháo gỡ. Tại cuộc họp với Bộ GTVT mới đây, Hà Nội đã cam kết đảm bảo mặt bằng cho các dự án giao thông
Chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng
Những ngày này, trên công trường xây dựng cầu Vĩnh Thịnh (khởi công ngày 18/12/2011) - cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng (dài gần 5,5 km), chính tuyến đường vành đai 5, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), tập thể cán bộ, công nhân viên Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) luôn ứng trực 24/24 giờ hàng ngày để tập trung thi công, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án so với mục tiêu thông xe vào tháng 12/2014. Đến thời điểm này, mặc dù dự án đã thực hiện đạt gần 36% các trụ dưới sông đã đảm bảo vượt mùa lũ an toàn, nhưng các hạng mục hoàn thiện kết cấu phần dưới, phần trên của đường dẫn tuyến chính, đoạn qua phà Vĩnh Thịnh (thị xã Sơn Tây) đang vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Nếu không được thị xã Sơn Tây tháo gỡ kịp thời, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án khó tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Quang Nhung, Phó phòng dự án 2 (Ban Quản lý dự án Thăng Long), người phụ trách công trường đối với các hạng mục hoàn thiện kết cấu phần dưới, phần trên của đường dẫn tuyến chính của dự án thuộc huyện Vĩnh Tường đã được địa phương bàn giao 100%, còn tại thị xã Sơn Tây đến nay sau gần một năm thi công, mặc dù đã được dự án đền bù GPMB theo khung giá đất của thành phố Hà Nội, nhưng nhiều hộ dân và các tổ chức xã hội tại khu vực phà Vĩnh Thịnh vẫn chây ì, chưa bàn giao mặt bằng.
Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi cũng đang ì ạch triển khai vì vướng GPMB. Khởi công từ tháng 2/2012, sau 8 tháng, 4 gói thầu trên chiều dài 4 km (Km 185 - Km 189) đến nay vẫn dở dang. Hệ quả là tình trạng bụi bẩn, ùn tắc, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thường trực. Tại gói thầu số 9 và 10, thậm chí, một vài vị trí còn trở thành bãi đỗ xe tạm cho xe tải. Điển hình là đoạn qua làng Yên Phú, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) dài gần 1 km, thuộc gói thầu số 9 và 10, đơn vị thi công đang triển khai thi công cống dọc bên phải tuyến nhưng không có hệ thống rào chắn, trong khi hệ thống thoát nước trên đoạn tuyến này được đào sâu chênh lệch cả mét so với mặt đường nên gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Dự án này, theo Ban Quản lý dự án 1 (Bộ GTVT) đặt mục tiêu đến hết năm 2012 phải hoàn thành thi công 1/2 mặt cắt của toàn tuyến. Tuy nhiên, đến nay, việc thi công mặt cắt và phần cống thoát nước của gói thầu số 9 vẫn “dậm chân tại chỗ” vì chưa có mặt bằng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do toàn bộ phần đất của xã Ngọc Hồi dù thuộc diện phải GPMB nhưng người dân vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù phần đất công để bàn giao cho nhà thầu thi công. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, mà còn gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ do các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn chậm bàn giao mặt bằng thi công. Mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc chủ yếu nằm ở các điểm giao cắt với các huyện. Đến thời điểm này, các huyện đã bàn giao 58,523 km/61,313 km, còn lại gần 2,8 km chưa bàn giao mặt bằng, nên các nhà thầu không thể thi công. Lý giải cho vấn đề chậm trễ mặt bằng “sạch”, Ban Quản lý dự án 2 cho rằng, do việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư của các địa phương không kịp thời và việc áp dụng chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, nên nhiều hộ dân chưa đồng thuận. Ngoài ra, các đơn vị trúng thầu thi công cũng thừa nhận khó khăn, không ít điểm được bàn giao mặt bằng nhưng lại nằm trong vùng đất yếu, đòi hỏi thời gian xử lý dài, dẫn đến nguy cơ làm chậm tiến độ...
Coi GPMB là nhiệm vụ trọng tâm
Theo Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của thành phố từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt hơn 10%. Một số dự án chậm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, nhất là tại các dự án trọng điểm. Nguyên nhân do, tại một số dự án, việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư còn chưa được các chủ đầu tư, các quận, huyện, thị xã quan tâm tích cực để chủ động đáp ứng với yêu cầu tiến độ GPMB của các dự án. Bên cạnh đó, việc giới thiệu vị trí, địa điểm khu tái định cư còn chưa sát với tình hình thực tế nơi thu hồi đất; việc bố trí vốn GPMB cho các dự án giải ngân chậm so với tiến độ phê duyệt...
Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2012, thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, bảo đảm hoàn thành xong công tác thu hồi đất, GPMB tại các dự án trọng điểm như: Cầu Nhật Tân và đường dẫn hai bên đầu cầu, cao tốc Nội Bài - Lào Cai (huyện Sóc Sơn), cầu Vĩnh Thịnh (Sơn Tây)... Riêng đối với vấn đề giải quyết vướng mắc về quỹ nhà đất tái định cư, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung các nguồn lực cho xây dựng 7 khu đô thị tái định cư, với diện tích khoảng 160 ha.
Tại cuộc họp mới đây về công tác đền bù GPMB giữa Bộ GTVT với UBND TP Hà Nội và đại diện các ban, ngành liên quan về việc nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng công trình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã cam kết đảm bảo tiến độ các công trình giao thông, nếu công tác GPMB của thành phố được làm tốt. Bộ GTVT và thành phố cũng đã thống nhất ý kiến và đưa ra một bản quy tắc chung liên quan đến các vấn đề GPMB, quy hoạch đô thị, khai thác sử dụng các công trình giao thông... Trong đó, cơ chế thực hiện theo hướng Hà Nội có thể áp dụng thí điểm các phương thức quản lý giao thông trước, kết hợp rà soát quy hoạch, tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.
Qua thống kê của các quận, huyện, thị xã, mặt bằng phục vụ thi công các công trình giao thông tại Hà Nội hiện nay cần phải giải tỏa không lớn. Mỗi quận, huyện, thị xã chỉ vướng GPMB từ 2 - 3 ha, nhưng lại rải rác mấy chục điểm gây cản trở thi công. Do đó, thành phố đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải coi công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết dứt điểm, để đảm bảo tiến độ dự án các công trình giao thông; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc quản lý tiến độ, chất lượng các công trình thi công trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cũng đồng tình trong thời gian tới sẽ lên phương án cưỡng chế thu hồi đất, nếu các hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhưng chây ì, cố tình chống đối.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá quan trọng:
Hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá quan trọng được Đảng, Nhà nước ưu tiên trong thời gian tới. Những năm vừa qua, Chính phủ cũng luôn quan tâm và dành nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng giao thông. Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói chung. Đây là công trình có vốn đầu tư lớn và công nghệ khá phức tạp, chính vì vậy, Bộ GTVT cần chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu triển khai đạt tiến độ và chất lượng công trình tốt nhất. (Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại lễ khởi công cầu Vĩnh Thịnh, ngày 18/12/2011)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Người dân sẽ được hỗ trợ để tự lo tái định cư
Nhiều dự án chậm GPMB là do chính quyền không quyết tâm, không giải tỏa triệt để. Do vậy, mới có tình trạng có dự án chỉ vướng GPMB đối với 4 - 5 ngôi nhà mà cả tuyến đường không thể làm được. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc chậm trễ trong công tác tái định cư. Thời gian tới, thành phố sẽ đổi mới việc di dời theo hướng để người dân thành phố phải được hỗ trợ để họ tự lo tái định cư, dân nông thôn phải tái định cư tại chỗ. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT thực hiện các đề án như quy hoạch giao thông thủ đô đến năm 2030. (Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại cuộc họp mới đây với Bộ GTVT về công tác đền bù GPMB)
Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Nguyễn Mạnh Hùng: Không vướng mặt bằng, dự án cầuVĩnh Thịnh chắc chắn về đích vượt tiến độ
Cầu Vĩnh Thịnh là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng thuộc đường vành đai 5 Hà Nội, góp phần kết nối mạng lưới giao thông từ các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội. Công trình hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giúp người dân và các phương tiện tham gia giao thông an toàn hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ, không phải đi qua phà. Chính vì vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu ý thức được việc đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác là hết sức quan trọng. Điểm mấu chốt nhất của cầu Vĩnh Thịnh là phải thi công xong các trụ cầu dưới sông Hồng trước khi mùa lũ về. Nếu độ cao của các trụ cầu không vượt qua được đỉnh lũ thì tiến độ công trình khó đảm bảo. Nỗi lo này đã sớm được giải tỏa, bởi tất cả các trụ dưới lòng sông đều đã đạt đến chiều cao an toàn. Tuy nhiên, mặt bằng thi công đường phần dưới, phần trên của đường dẫn tuyến chính, đoạn qua phà Vĩnh Thịnh (thị xã Sơn Tây) đang vướng GPMB. Nếu giải quyết được, các hạng mục xây dựng dự án cầuVĩnh Thịnh chắc chắn về đích vượt tiến độ. Do đó, thời gian tới, dự án cầu Vĩnh Thịnh cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan chức năng và chính quyền thị xã Sơn Tây. |
Nguyễn Tiến