Nghệ An thành lập 5 đoàn công tác xuống các địa phương Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, tỉnh Nghệ An thành lập 5 đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Cửa Hội, Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) sáng 14/9/2017. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Đến tối 14/9, tất cả các tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đều đã biết được thông tin về cơn bão số 10 và đang tìm cách để vào bờ hoặc tìm nơi neo đậu an toàn. Trước đó, tỉnh đã có công điện cấm biển kể từ 7 giờ ngày 14/9 và yêu cầu các tàu thuyền về bến neo đậu trước 17 giờ ngày 14/9/2017.
Tỉnh Nghệ An hiện có trên 625 hồ đập lớn nhỏ, trong đó địa phương quản lý 533 hồ, đến nay có 2 hồ đầy nước, 357 hồ còn lại mực nước khoảng 70% - 80%, tuy các hồ chứa đến thời điểm hiện tại đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chức năng, nếu bão đổ bộ vào, mưa lớn thì các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn khá cao. Trong khi đó, các trạm bơm tiêu, cống tiêu chính của Công ty Thủy lợi Nam, Công ty Thủy lợi Bắc đã sẵn sàng vận hành, theo phương châm “gạn triều tiêu úng” để bảo vệ lúa và hoa màu, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản và chống ngập úng ở đô thị, thành phố.
Tại tỉnh Nghệ An, nhiều người dân, nhất là người dân các huyện miền núi và vùng biển vẫn có tâm lý chủ quan chưa triển khai việc chằng chống nhà cửa, thu hoạch ao đầm nuôi thủy sản, mua sắm lương thực dự trữ nếu bão đổ bộ vào. Mặt khác, tại nhiều địa phương trong tỉnh đang có các công trình hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang, nếu bão đổ bộ vào chắc chắn sẽ gây hư hỏng, thiệt hại lớn. Tại thành phố Vinh có nhiều khu tập thể được xây dựng từ hàng chục năm nay, hiện xuống cấp, hư hỏng, rất nguy hiểm nếu không kịp cảnh báo hoặc di dời dân ra khỏi nhà khi bão đến.
Từ thực tế kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương lưu ý người dân không được chủ quan trong phòng chống bão. Đối với các nhà máy thủy điện, lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu phải thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện hạ du để thông báo cho nhân dân biết nhằm hạn chế các tai nạn xảy ra do xả lũ bất ngờ hoặc không báo trước. Đối với Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê (là những nhà máy thủy điện lớn của tỉnh), lãnh đạo tỉnh yêu cầu vận hành đảm bảo theo quy trình liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ngay trong tối 14/9 tỉnh Nghệ An yêu cầu lãnh đạo các địa phương trực tiếp kiểm tra các phương án di dời dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất để lên phương án tổ chức di dời dân khi dự báo các tình huống nguy hiểm do bão gây ra và cho phép các địa phương thực hiện việc cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu ngành du lịch phối hợp với các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú tại địa phương.
Quảng Trị di dân ở các vùng lũ quét, lũ ống
Đến 19 giờ ngày 14/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trời đã bắt đầu mưa to, gió lớn, sóng biển dâng cao, biển động. Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai các biện pháp chủ động phòng chống bão số 10 với phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, phương án di dân tại các vùng sạt lở, vùng xung yếu, dễ bị lũ quét đang được chú trọng triển khai…
Tại khu tránh trú bão ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 10 đang được tiếp tục triển khai. Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào các khu tránh trú an toàn. Hiện, toàn bộ hơn 2.300 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đã vào các nơi tránh trú an toàn. Các biện pháp ứng phó với cơn bão vẫn đang được gấp rút triển khai.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra đôn đốc công tác ứng phó với cơn bão số 10 tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: Đơn vị đã triển khai 2/3 lực lượng xuống hỗ trợ giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền và di dời nhân dân ở các vùng thấp trũng xung yếu đến các nơi cao ráo an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, trong chiều 14/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các đoàn về từng địa phương để kiểm tra; đôn đốc chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang tăng cường hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp ứng phó với bão; trong đó, ưu tiên hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Đối với các thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 90CV trở xuống, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp cùng chính quyền và người dân đưa tàu, thuyền lên bờ...
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND Quảng Trị cho biết: Chiều tối 14/9, tỉnh Quảng Trị bắt đầu triển khai di dân ở các vùng lũ quét, lũ ống đến nơi cao ráo trước khi bão vào; kiểm tra chủ động xả nước các hồ đập đã đầy nước.
Các xã vùng biển Quảng Bình khẩn trương chống bão Chủ động, tích cực ứng phó mưa bão, ngay trong ngày 14/9, lãnh đạo địa phương và người dân tại các xã vùng biển của tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương chằng chống nhà cửa, kêu gọi đưa tàu thuyền vào nơi cao, khuất gió, tránh trú an toàn.
Nhiều người dân sinh sống ven các bãi ngang, vùng biển các xã như Đức Trạch, Nhân Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch …(huyện Bố Trạch); Hải Ninh (huyện Quảng Ninh); Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy)… đang khẩn trương ứng phó với mưa bão. Xã Đức Trạch là một trong những xã biển có đội tàu thuyền hùng hậu nhất của tỉnh Quảng Bình với khoảng 500 tàu thuyền; trong đó có hơn 200 tàu thuyền đánh bắt xã bờ có công suất từ 90 CV đến 1.000 CV. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề biển. Anh Võ Văn Hải, chủ tàu QB 92316 TS, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho hay, tàu của anh đang đánh bắt ngoài khơi cách bờ khoảng hơn 40 hải lý thì nghe thông tin về cơn bão số 10. Đây là cơn bão rất mạnh và nguy hiểm với sức gió cấp 15, mức độ báo động 4 nên anh em trên tàu không thể chủ quan. Ngay trong sáng 14/9, lái tàu cùng 8 thuyền viên đã nhanh chóng đưa tàu vào âu thuyền Cảng Gianh (huyện Bố Trạch) để tránh trú, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Trong đất liền, các thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt lộng tại địa phương cũng đã được người dân đưa lên cao, tránh gió bão. Con thuyền nhỏ của ông Nguyễn Văn Hăng, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch được khiêng vào sát cạnh nhà. "Ngày nay, công nghệ thông tin hiện đại nên các thông tin dự báo bão, mưa lũ phát trên ti vi, đài báo khả năng chuẩn xác cao. Với ngư dân chúng tôi, tàu thuyền, ngư lưới cụ là tài sản quý giá để mưu sinh. Cơn bão này dự báo siêu mạnh nên chúng tôi nhanh chông đưa thuyền bè, lưới cụ lên chỗ cao và an toàn để sau bão lại tiếp tục bám biển mưu sinh ”, lão ngư Nguyễn Văn Hăng chia sẻ.
Ông Nguyễn Tất Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Hiện tại hơn 500 tàu thuyền của địa phương đã vào nơi neo trú an toàn tại các âu thuyền, cảng cá trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc đưa các phương tiện vào chằng néo, neo đậu, xã cũng chỉ đạo, lên phương án di dời 120 hộ dân ở vùng dễ sạt lở, hộ neo đơn... Vào sáng 15/9, người dân sẽ được di dời đến nơi an toàn. Trước đó UBND xã Đức Trạch đã thông báo qua hệ thống loa truyền thanh các thôn về diễn biến của bão. Người dân cũng khẩn trương chằng chống, gia cố nhà cửa; thực hiện nghiêm công tác phòng chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”…
Chị Nguyễn Thị Vân, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Mấy ngày nay, tôi xem ti vi và được địa phương thông báo có bão to, gió mạnh rất nguy hiểm. Vợ chồng tôi đã mua các bao tải lớn đổ đầy cát để chằng lên mái nhà tránh gió...
Tại âu thuyền Cảng Gianh, số tàu cá vào neo đậu tránh trú bão số 10 đã quá tải. Nhiều tàu phải neo đậu ngay giữa sông Gianh để trú bão.
Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Toàn xã có trên 60 tàu thuyền có công suất từ 20-800CV, với khoảng gần 500 lao động. Đến nay, các tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão an toàn tại âu thuyền Cảng Gianh. Tuy nhiên, vì có nhiều tàu từ các tỉnh khác vào neo đậu tại đây nên âu thuyền không còn chỗ neo đậu, một số tàu cá địa phương phải ngược sông Gianh lên huyện Tuyên Hóa trú bão. Riêng các hộ dân nằm trong vùng xung yếu, nguy cơ ngập lụt cao ven sông Gianh đã được chính quyền địa phương bố trí phương án di dời đến nơi cao ráo, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân...
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có trên 4.000 tàu thuyền với hơn 17.160 lao động. Đến 19 giờ 30 phút ngày 14/9, địa phương còn 4 tàu với 42 lao động đang trên đường vào tránh trú bão.