Cách xử trí khi ngộ độc khí gas amoniac

Người không may hít phải hoặc tiếp xúc với khí amoniac (NH3) cần được súc rửa và sơ cứu ngay lập tức nếu không sẽ bị tổn thương nghiêm trọng đa cơ quan.

Vào sáng 10/10 tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra một vụ rò rỉ khí NH3 khiến 4 người phải vào viện cấp cứu và nhiều người dân sống xung quanh cảm thấy khó thở, cây cối héo úa, nhiều vật nuôi của các nhà xung quanh chết hàng loạt...

Chú chó bị ngạt khí NH3 nằm bất động trong vụ rò rỉ khí ngày 10/10 tại Bình Chánh. Ảnh: A.Đ

Theo các bác sĩ, NH3 là chất hóa học tự nhiên trong không khí. Ở nhiệt độ phòng, NH3 là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước. Khí NH3 có tính ăn mòn, mức độ trầm trọng phụ thuộc vào đường tiếp xúc cũng như liều lượng và thời gian. Theo đó, khi tiếp xúc với NH3 ở nồng độ cao có thể gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Người hít phải khí amoniac với nồng độ thấp hơn có thể bị ho, kích ứng mũi, họng...


Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), cho biết khí NH3 sẽ làm tổn thương những mô mỏng ở cơ thể như giác mạc, niêm mạc. Khi hít phải khí NH3 vào phổi làm tổn thương phế nang nên sẽ có tình trạng khó thở. Tuy nhiên, có những trường hợp ban đầu không có biểu hiện bất thường, nhưng sau 5 -7 ngày, NH3 bắt đầu phá hoại làm bong tróc niêm mạc phổi, gây viêm phổi rất nặng và dẫn đến bị hoại tử.


Theo các bác sĩ, khi bị nhiễm độc khí, người dân nên thực hiện những bước như sau: Nhanh chóng di chuyển ra khỏi nơi nhiễm khí NH3. Nếu bị nhiễm độc khí trong nhà thì nhanh chóng ra khỏi nhà, còn nếu xảy ra ở bên ngoài thì hãy vào trong nhà đóng kín cửa và tắt máy điều hòa.


Bên cạnh đó, nhanh chóng cởi bỏ quần áo dính NH3, tránh cởi áo qua đầu để hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Nếu có thể, áo chui đầu nên cắt bỏ. Sau đó, cho quần áo vào túi nhựa và cột kín miệng túi lại để tránh gây nhiễm thêm cho mình và những người khác. Để các túi này ở nơi an toàn, tránh xa mọi người, nhất là trẻ em.


Nhanh chóng rửa sạch khí NH3 còn dính trên da với xà phòng và nước, rửa mắt sạch với nhiều nước, tháo bỏ kính sát tròng, rửa kính sạch với xà phòng và nước trước khi đeo. Không dùng chất tẩy để rửa trên da.


Trong trường hợp nếu nuốt phải NH3 thì cần nhanh chóng nới lỏng cà vạt, khăn, cổ áo và súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh rồi nhổ đi. Sau đó uống từ một đến 2 ly sữa. Tuyệt đối không được uống các loại nước giải khát có ga. Nếu có biểu hiện nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi, sau đó nhanh chóng đi đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa. Đối với những người khi tiếp xúc với khí NH3 có các triệu chứng như ho nặng, kéo dài, phỏng họng... cần phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.


Theo Trung tâm Sức khỏe lao động, hiện mật độ NH3 đo được tại khu vực trạm chiết gas amoniac ở huyện Bình Chánh vẫn còn khá cao. Do đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã khuyến cáo người dân sống khu vực xung quanh cần mở cửa nhà để không khí lưu thông, tránh đóng kín cửa, phòng tránh nguy cơ ngộ độc khí.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Bốn người bị thương, khu dân cư di tản khẩn cấp vì rò rỉ khí amoniac
Bốn người bị thương, khu dân cư di tản khẩn cấp vì rò rỉ khí amoniac

Một vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) đã xảy ra tại xã An Phú Tây (quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) khiến 4 người bị thương, cả khu dân cư phải di tản khẩn cấp trong trưa nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN