Cấm không cho sử dụng bè nổi bằng gỗ, các chủ hộ kinh doanh ở đây đã đầu tư đóng mới bè nổi bằng vật liệu composite. Nhưng các hộ lại chỉ đóng mới bè rồi để vậy nhằm đối phó khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, còn mọi hoạt động vẫn diễn ra trên bè nổi bằng gỗ.
Ngày 14/10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo yêu cầu các địa phương rà soát, cấm các bè nổi không đủ điều kiện hoạt động, yêu cầu các hộ kinh doanh bè nổi dừng hoạt động để cải tạo và đóng mới phương tiện đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... và hoạt động theo đúng quy định. Thành phố Nha Trang không còn vùng nước để quy hoạch cho việc neo đậu cố định nên các phương tiện đóng mới phải di chuyển dễ dàng để hoạt động lưu động. Các hoạt động ăn uống, vui chơi của du khách khi tham gia chương trình tham quan biển đảo sẽ được tổ chức tại các nhà hàng, khu du lịch trên đảo và đất liền.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 45 bè nổi hoạt động ở các địa phương: Thành phố Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm. Riêng tại thành phố Nha Trang, báo cáo của Ban quản lý Vịnh Nha Trang ngày 5/11/2018 cho biết, trên vịnh hiện có 6 nhà hàng nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống bằng vật liệu composite có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tuy nhiên hiện nay chỉ có 3 nhà hàng nổi có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; 5 bè nổi gỗ (loại bè này đã bị cấm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa nhưng vẫn còn hoạt động)
Ông Đinh Vĩnh Tiền, Phó Trưởng ban Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, thời gian qua đội công tác liên ngành trên vịnh do Ban quản lý vịnh Nha Trang là đơn vị thường trực vẫn thường xuyên kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Đối với các nhà hàng nổi vi phạm, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính; tham mưu UBND thành phố Nha Trang ban hành quyết định xử phạt 7 triệu đồng kèm hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 1 tháng. Đối với các bè nổi truyền thống, đơn vị cũng tham mưu UBND thành phố Nha Trang ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ lồng bè; đồng thời thường xuyên kiểm tra đột xuất, xử lý hành chính các phương tiện thủy nội địa cố tình đưa khách tham quan, ăn uống trên các bè nổi này.
Tuy kết quả trên báo cáo là vậy, nhưng thực tế theo quan sát của phóng viên vào đầu tháng 12/2018, các ca nô, tàu gỗ vẫn đưa khách ra bè ăn uống rất nhộn nhịp. Bên cạnh các bè gỗ nổi, để "qua mặt" các cơ quan chức năng, các chủ bè này còn đóng thêm một bè nổi bằng vật liệu composite nhưng lại không được sử dụng đến. “Nhà hàng nổi composite là một khối lớn nên khi bị sóng đánh rất rung lắc, khách bị say sóng, chóng mặt nên từ chối ngồi. Còn bè làm bằng thùng phuy và cây gỗ thì do có nhiều khối nhỏ ghép vào nên khi gặp sóng sẽ dập dềnh, ít bị rung lắc hơn. Trong khi đó, các bè làm bằng composite rất đắt, người dân không có đủ điều kiện để làm”, ông Phan Lê Vũ, chủ bè nổi Xuân Trúc, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang nói.
Cũng theo ông Vũ, do bị cấm kinh doanh trên bè nổi gỗ, năm 2017 ông đã tiến hành đóng mới bè nổi bằng vật liệu composite với giá 1,2 tỷ đồng, thế nhưng đến nay vẫn chưa được đăng kiểm mà khách cũng chẳng lên đó ngồi. Do đó, ông buộc phải kinh doanh ăn uống trên bè nổi gỗ, mặc dù loại bè này không được phép hoạt động.
Tuy không an toàn nhưng dịch vụ ăn uống trên bè lại là một dịch vụ hấp dẫn du khách. Du khách Nguyễn Lê Dung (quê ở Nam Định) cho biết, so với ăn uống trên đất liền, ăn uống trên bè nổi ở vùng biển Nha Trang rất thú vị, du khách có thể vừa thưởng thức các món ăn từ hải sản vừa được ngắm cảnh và hít thở không khí biển trong lành.
Liên quan đến bè nổi phục vụ du khách trên vịnh Nha Trang, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, sở đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không đưa khách du lịch đến ăn uống, sử dụng dịch vụ tại các bè nổi kinh doanh nhà hàng trên vịnh Nha Trang chưa đủ điều kiện hoạt động nhằm phòng tránh tai nạn, đảm bảo an toàn cho du khách. Đơn vị nào cố tình đưa khách ra các bè nổi không đảm bảo an toàn, nếu gặp sự cố, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn theo Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, việc tồn tại bè nổi không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch trên vùng biển tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ cháy nổ... “Đơn vị kiên quyết đình chỉ hoạt động các bè nổi không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn cố tình tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hoa Cao Tấn Lợi thông tin.
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, không cho loại bè nổi bằng vật liệu gỗ hoạt động, song người dân đóng mới bè nổi bằng vật liệu composite, đưa vào sử dụng lại không được cấp phép, bè cũng không phát huy được hết tính năng của nó, thậm chí là phải “nằm yên chịu chết”.
Trả lời về vấn đề này, ông Ngô Khắc Thinh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Nha Trang cho biết, quy định trong thông tư 43 của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013 ghi rõ nhà hàng nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách, có đăng ký kinh doanh nhà hàng nổi phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện. Loại phương tiện này có yêu cầu kỹ thuật thậm chí cao hơn so với tàu chở khách, như: Hành lang thoát nạn, thiết bị báo cháy tự động.
“Hầu hết các nhà hàng nổi composite đang hoạt động hiện nay chưa được đăng kiểm, cấp phép vì chưa đáp ứng đủ các yêu cầu kĩ thuật của Thông tư 43 và những bè đó nếu đang hoạt động cũng là hoạt động trái phép. Qua các lần kiểm tra, xử phạt chúng tôi đã yêu cầu các hộ kinh doanh những bè không đảm bảo dừng hoạt động để cải tạo, đóng mới phương tiện đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy...”, ông Thinh khẳng định.