Hiện nay, tại khu vực Tây Nam bộ, dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, không còn địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, các tỉnh, thành vẫn siết chặt việc đi lại, di chuyển của người dân, quy định người dân không được tự ý di chuyển ra khỏi địa phương đến những nơi có nguy cơ rất cao về tình hình dịch bệnh COVID-19; chỉ trừ cấp cứu hoặc trường hợp đặc biệt được lãnh đạo có thẩm quyền cho phép. Tình hình lao động từ các tỉnh miền Đông, TP Hồ Chí Minh di chuyển về miền Tây, hiện nay có hơn 140.000 người trở về các tỉnh, thành trong vùng, số lượng người cách ly tăng đột biến, ghi nhận nhiều ca F0 trong cộng đồng...
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho biết, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức thăm, tặng quà cho 4.000 hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng (gồm gạo, dầu ăn, mì tôm, nước tương), tổng trị giá các phần quà là 1,2 tỷ đồng.
Từ ngày 2/10 đến ngày 5/10 tỉnh Đồng Nai tổ chức test nhanh COVID-19, hỗ trợ bánh mì, nước uống và cho xe cảnh sát dẫn đường đưa người lao động có nguyện vọng về quê. Đồng Nai cũng đã giải quyết cho 1.700 công nhân, người lao động về Ninh Thuận, khoảng 3.800 người về các tỉnh miền Tây; tổ chức cho xe chở khoảng 200 người về Đắk Lăk, hơn 200 người về Gia Lai.
Trước làn sóng người dân di tản về quê, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tiếp tục tuyên truyền, vận động lao động đồng bào người Mông, Nghệ An đang sinh sống, làm việc tại các nông, lâm trường, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh yên tâm ở lại làm ăn, ổn định định việc làm, thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên số lao động trên vẫn kiên quyết mong muốn về quê, do đó Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục gửi văn bản cho UBND tỉnh Nghệ An phối hợp đón các lao động trên về quê theo quy định của Chính phủ. Trong tuần qua, Bình Phước đã thuê xe khách chở 162 lao động (chủ yếu đồng bào Mông) về Nghệ An.
Còn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các trạm chốt kiểm dịch của tỉnh Đăk Lăk đã huy động hàng trăm lực lượng chốt chặn, phân luồng và tổ chức test nhanh COVID-19 cho hơn 6.000 người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... về quê. Qua test nhanh đã phát hiện 12 trường hợp nhiễm COVID-19. Tại Gia Lai, tính đến ngày 7/8 đã có 33.313 trường hợp đi từ vùng dịch trở về địa phương được cách ly tại nhà, trong đó có 31.845 trường hợp cách ly đã qua 14 ngày, hiện còn 1.4 trường hợp tiếp tục cách ly tại nhà.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân di chuyển trên đường cũng như bảo đảm công tác phòng dịch COVID-19, một số địa phương đã quan tâm, phối hợp tổ chức bố trí phương tiện đón, hướng dẫn, cách ly, hỗ trợ lương thực, nước uống, xăng xe... cũng như giải quyết an sinh xã hội bảo đảm ổn định cuộc sống tại quê nhà. Tuy nhiên đa số người dân di chuyển một cách tự phát, số lượng quá đông nên một số địa phương bị động, thiếu nguồn lực để hỗ trợ người dân, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh, đời sống đồng bào gặp khó khăn khi về địa phương, tiềm ẩn mất an ninh, trật tự ở cơ sở...
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Ủy ban Dân tộc đã đề nghị các địa phương có phương án đón người dân từ vùng dịch về quê, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Tây Nam bộ, bảo đảm an toàn, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội để đồng bào yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống tại quê nhà.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với các địa phương bố trí lưu thông các phương tiện tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và bà con người dân tộc thiểu số đi lại thuận lợi. Các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... cần có chính sách đặc thù hỗ trợ, tạo công ăn việc làm đối với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số có nguyện vọng về quê nhưng trong thời gian chờ sắp xếp của địa phương phải lưu trú lại địa bàn có điều kiện ăn ở và phòng chống dịch bệnh COVID-19, tránh để đồng bào lang thang, cơ nhỡ.
Trong những ngày qua, người dân tự phát di chuyển bằng xe máy trên tuyến quốc lộ 1A nối TP Hồ Chí Minh về Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang hoặc đi thẳng về Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thống kê sơ bộ từ các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ trong vòng vài ngày qua đã có hơn 100.000 người dân tự phát về quê. Có nơi, con số lên đến 20.000-30.000 người như An Giang, Sóc Trăng, nơi ít cũng 1.000 - 2.000 người. Trong đó, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc; lượng người dân về quê quá đông đã khiến địa phương quá tải. Trước tình hình đó, các địa phương đã phải trưng dụng nhiều trường học để làm điểm cách ly.