Cần giảm bớt thủ tục khi hỗ trợ cho ngư dân

Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đã trao đổi về những chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển cần đồng bộ để người dân có thể tiếp cận thuận tiện: 


Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)


* Từ kết quả giám sát các chính sách với ngư dân, bà có thể cho biết rõ hơn những bất cập chính sách mà ngư dân khó tiếp cận, thưa bà?


Để nhận được hỗ trợ từ địa phương, mỗi ngư dân phải trải qua nhiều thủ tục rườm rà. Thêm vào đó, mức hỗ trợ như hiện nay còn thấp chưa đủ để những ngư dân “đủ sức” để thay đổi cuộc sống và tạo ra nhiều lợi ích kinh tế từ biển. Vì vậy, lần họp này, tôi kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ những chính sách đã và đang triển khai để rút ra cái được- cái chưa được rồi mới áp dụng chính sách hỗ trợ mới cho ngư dân thật hiệu quả. Ngoài ra cũng tăng mức đầu tư, tăng thời gian, giảm lãi suất cho vay nếu ngư dân đóng tàu mới, ngư dân mất tích khi khai thác biển…


* Liên quan đến nhóm đối tượng là học sinh sinh viên theo học chuyên ngành khai thác hải sản, theo bà, Chính phủ cần có ưu đãi như thế nào, bởi đây chính là lực lượng chính, thay đổi bộ mặt của biển cả trong tương lai?


Ngoài việc miễn học phí trong suốt các năm học, tôi cho rằng cũng cần có thêm mức hỗ trợ để các cháu có thêm động lực học cũng như trang trải sinh hoạt hàng ngày nữa. Ngoài ra, tại Bình Thuận chúng tôi, chỉ có một số xã các em được hưởng theo chính sách biển đảo, bãi ngang. Theo tôi, lần này Chính phủ cũng cần rà soát và bổ sung thêm điều kiện để có thêm nhiều ngư dân yên tâm bám biển, qua đó bảo vệ chủ quyền của Việt Nam hơn nữa.


* Có ý kiến cho rằng, để chính sách hỗ trợ thực sự đạt hiệu quả, giúp nhiều bà con ngư dân “thoát nghèo” bền vững, theo bà nên có những chính sách cụ thể nào ngoài vay vốn lãi suất thấp?


Thực ra chính sách dành cho ngư dân chưa có nhiều, trong khi đời sống của số đông đang rất khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tôi đồng tình với quan điểm hỗ trợ họ mua tàu thuyền đánh cá, hướng dẫn cách đánh bắt có kỹ thuật, an toàn và hướng dẫn cách tổ chức lại cuộc sống gia đình. Chúng ta cần hiểu rằng, ngư dân là người rất thực tế, làm nghề nào ăn nghề đó và chỉ nghĩ kiếm sống theo ngày. Nếu mình không hướng dẫn cho họ cách sản xuất, cách tổ chức gia đình thì đời sống họ sẽ mãi khó khăn.


* Để đảm bảo cho ngư dân khai thác tại vùng Biển Đông trước việc tàu cá Trung Quốc thường xuyên uy hiếp, bà có kiến nghị gì không?


Trước hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như hành động tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá gần đây khiến ngư dân bức xúc. Tôi cũng hy vọng Việt Nam sớm đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, để chính người dân nhiều nước trên thế giới lên án hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.


Cũng có nhiều ngư dân phản ánh họ bị tàu cá Trung Quốc uy hiếp khi đánh bắt xa bờ. Vì vậy, theo tôi, lúc này chúng ta cần tranh thủ sự vào cuộc của nhiều tổ chức quốc tế, sự vào cuộc quyết liệt hơn của nghiệp đoàn nghề cá mỗi địa phương- nơi mà ngư dân coi là mái ấm, “căn nhà” bảo vệ họ yên tâm hơn khi bám biển.


* Xin cảm ơn bà!


Xuân Minh (ghi)

 Hỗ trợ ngư dân đóng mới 27 tàu công suất lớn
Hỗ trợ ngư dân đóng mới 27 tàu công suất lớn

UBND tỉnh Bình Định và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức ký kết hợp tác hỗ trợ đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn cho tỉnh Bình Định trong giai đoạn (2014-2017), với tổng số vốn 150 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN