Khó quản lý vì thiếu khung pháp lý cụ thể
Để quản lý TLTHM, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cũng như chấm dứt tình trạng thị trường "chợ đen" hoành hành, gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu và thiệt hại cho ngân sách nhà nước lẫn sức khỏe người dùng, ngày 18/4, Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” với sự tham gia của các đại diện cơ quan, ban ngành như Cục Công nghiệp, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng với các chuyên gia y tế, luật sư…
Tại toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá nhằm tạo điều kiện cho việc luật hóa TLTHM, hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm tác hại cho thuốc lá điếu là cần thiết. Đặc biệt, việc sớm có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này sẽ giúp các cơ quan chức năng thực thi nghiêm minh các mức hình phạt cụ thể, xác đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương, các sản phẩm TLTHM gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã xuất hiện gần 10 năm qua, tuy nhiên đến nay, việc quản lý còn nhiều khó khăn do chưa có khung pháp lý rõ ràng. Trong khi đó, những sản phẩm TLTHM trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, thành phần hiện đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Bên cạnh đó, kẻ gian còn lợi dụng lỗ hổng về luật pháp để bán trái phép cho học sinh, sinh viên; lợi dụng cơ chế mở của một số loại thuốc lá điện tử để trộn lẫn ma túy, cần sa, chất cấm vào trong thiết bị nhằm tạo thêm những con nghiện mới. Thậm chí, một số đối tượng còn dùng tiền dụ dỗ học sinh sử dụng và trở thành “kênh phân phối” hàng cấm... Thực trạng này cũng tạo thêm gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu lẫn tội phạm ma túy. Không chỉ vậy, TLTHM nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thiếu kiểm soát, với số lượng ngày càng gia tăng khiến ngân sách nhà nước bị thất thu rất lớn.
Dưới góc độ người dùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung chia sẻ quan điểm: “Việc sử dụng TLTHM đã xuất hiện bao nhiêu năm nay nhưng lại không có văn bản nào điều chỉnh vấn đề này. Trong khi đó, các nước đều có quy định rất chặt chẽ về quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thực tế cuộc sống không đợi chúng ta, đã đến lúc chúng ta ban hành văn bản quy phạm pháp luật về buôn bán, sử dụng sản phẩm TLTHM. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng”.
Cần có cơ chế quản lý phù hợp thay vì cấm
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu quan điểm rằng, việc cấm những sản phẩm TLTHM không phải là giải pháp phù hợp, hữu hiệu và lâu dài trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện tại đã đủ điều kiện và cơ sở để quản lý mặt hàng này. Do vậy, đã đến lúc cần ban hành cơ chế quản lý phù hợp.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công thương lý giải: “Trong nhiều năm qua ở Việt Nam, chúng ta thấy rõ thực trạng là TLTHM chưa có hệ thống chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành hay thương mại hóa dưới rất nhiều hình thức. Sản phẩm này có thể mua bán trực tiếp hoặc có thể mua bán thông qua một số trang mạng internet. Hầu hết các sản phẩm này đều được nhập qua hình thức là đường xách tay, buôn lậu và không được quản lý về mặt chất lượng, nguồn gốc. Dù chưa được phép thương mại hóa nhưng TLTHM lại được tiếp cận tương đối dễ dàng trên thị trường. Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo phi pháp, vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thì tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc và ảnh hưởng sức khỏe”.
Trong vai trò là Phó Chủ tịch hội Dược học Việt Nam kiêm Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan cũng mong đợi một chính sách quản lý phù hợp. Bà Phong Lan nhấn mạnh: “Mọi đối tượng đều xứng đáng được bảo vệ, bao gồm giới trẻ, cộng đồng và quan trọng không kém là những người đang hút thuốc với độ tuổi hợp pháp - đối tượng chịu tác động trực tiếp”.
Cũng theo bà Phong Lan, các cơ quan quản lý, ban ngành nên cùng ngồi lại với nhau để đưa ra một chính sách quản lý TLTHM rõ ràng và cụ thể hơn.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Dũng cho biết, một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc… đã có phân loại rõ sản phẩm TLTHM để từ đó đưa ra chính sách quản lý được chặt chẽ. Vì thế, Việt Nam có thể quản lý ngay thuốc lá làm nóng dưới luật hiện hành, tuy nhiên thuốc lá điện tử vẫn cần được xem xét thêm. Thực tế, luật hiện hành về thuốc lá của Việt Nam đã rất đầy đủ, chính vì thế việc xem xét TLTHM quản lý dưới luật là điều nên làm, song hành với việc học hỏi áp dụng luật quản lý của các nước đi trước.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đã có chế tài xử phạt thuốc lá theo Nghị định 67 nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Vì thế, khi áp dụng chính sách quản lý TLTHM thì cần phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với những vi phạm về kinh doanh buôn bán thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, vi phạm về quảng cáo thuốc lá… TLTHM cần được quản lý như mặt hàng thuốc lá truyền thống, là ngành kinh doanh có điều kiện, được cấp phép nhập khẩu, xử phạt người hút thuốc lá không đúng nơi quy định thật nặng. Đặc biệt phải có giải pháp để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với TLTHM.
Theo đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng kiến nghị cần phải sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, sửa đổi Nghị định 67 để quản lý TLTHM, để cơ quan quản lý có thể quản lý tốt hơn, tránh thất thu thuế và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Theo quy định hiện nay, những loại được gọi là thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), Shisha chưa được xếp vào mặt hàng thuốc lá để quản lý, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 67/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 106/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013: “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác đùng để hút, nhai, ngửi.