Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội dừng chặt hạ cây xanh đã được người dân và các nhà khoa học rất ủng hộ. Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, lập kế hoạch và có lộ trình thực hiện đề án này.
Tìm cây phù hợpTheo đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng Hà Nội, những cây được trồng thay thế trên 190 tuyến phố chủ yếu là các loại cây long não, giáng hương, sao đen, vàng anh, vàng tâm…Cho đến khi UBND TP có quyết định tạm dừng việc chặt hạ cây xanh (chiều 20/3), đến nay đã có hàng loạt tuyến phố được trồng cây mới như đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Quang Trung, Phố Huế...
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và người dân, việc chặt hạ và trồng thay thế chưa thật sự hợp lý. Cụ thể, với cây vàng tâm được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh đang khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. Ông Lê Huy Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, số cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm mà là cây mỡ, còn có tên gọi khác là mỡ vàng tâm.
Chặt hạ cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Lê Phú |
Đây là hai loại cây cùng chi nhưng khác loài. Mỡ vàng tâm là loại cây ưa sống ở đồi cao, đất chua, phát triển chậm, ưa khí hậu ẩm và mát, trong khi đó, đường phố Hà Nội thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Nên việc loài cây này có thể sinh trưởng tốt ở môi trường vỉa hè đường phố Hà Nội hay không thì rất khó khẳng định.
“Cần phải có nghiên cứu kỹ về từng loại cây được trồng thay thế, xem xét xem chúng có hợp khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội hay không? Cũng phải kiểm tra từng loại giống trước khi trồng, tránh “nhầm lẫn” như những cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh”, ông Cường cho biết.
Nên thí điểm trước khi nhân rộngTheo các chuyên gia lâm nghiệp, mục đích của cây trồng lấy bóng mát là phải thẳng, tán rộng , hoa quả không gây ô nhiễm, tạo môi trường sinh thái trong lành... Do vậy, cần phải nghiên cứu, có lộ trình thực hiện dần dần nếu định thay thế các hàng cây chưa thích hợp. GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết, cần phải phải ươm trồng thí điểm 9 -10 năm xem cây phát triển như thế nào, có phù hợp hay không rồi mới nhân rộng . Hoặc là cần trồng xen lẫn, sau thời gian cây mới phát triển được rồi mới chặt bỏ hàng cây cũ mà cho là không thích hợp.
“Không thể một lúc chặt hạ rồi đem về trồng ồ ạt như hiện nay. Nếu không nghiên cứu cẩn thận thì vài chục năm sau, có thể chúng ta lại phải thực hiện một chiến dịch trồng cây mới để thay thế cho những cây đang được trồng hiện nay”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Theo tiêu chuẩn đô thị cây xanh, mỗi người cần có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra. Tại Hà Nội mới đạt 2m2/ người, bằng 1/5 so với chỉ tiêu, còn TP Hồ Chí Minh là 3,3 m2/người. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng môi trường không khí các đô thị chưa được đảm bảo. |
Chúng ta đã có không ít bài học thất bại trong việc trồng và thay thế cây xanh. Đã có bài học trồng cây Chò nâu, loài cây được trồng ở nơi thờ các Vua Hùng (Phú Thọ) trên đường Hùng Vương từ sau năm 1975. Chỉ sau vài năm, các cây chò nâu đều rụng lá và khô chết. Cây Sao đen đẹp và quý nhưng trồng ở nơi khác phố Lò Đúc thì khó phát triển tốt. Bài học khi trồng cây Sưa, cách đây vài năm rộ lên thông tin gỗ sưa quý hiếm, các nhà quản lý phải dùng tôn bao cây và xích cây lại, phải canh giữ bảo vệ cây Sưa có ở Hà Nội. “Nếu trồng cây gỗ quý như Vàng tâm, Mỡ... để rồi dẫn đến những tình trạng như vậy thì có nên không? Một điều đáng buồn nữa là tôi chưa thấy “bóng dáng” các nhà khoa học trong đó”, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá, chủ trương thay thế những cây già cỗi, cong, sâu mục là hợp lý nhưng cần phải thực hiện ra sao để nhận được sự đồng tình của người dân. “Việc thay thế cây xanh là cần thiết, nhưng phải có cách thức triển khai thay thế như thế nào cho phù hợp. Công ty cây xanh dù đã treo biển lấy ý kiến người dân nhưng lại treo biển trên cây và không có số điện thoại để liên lạc nên chúng tôi không biết liên hệ với ai. Vì vậy phải có hình thức lấy ý kiến người dân như thế nào cho hợp lý”, ông Nguyễn Văn Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, bên cạnh việc xem xét trồng cây nào cho hợp lý, Hà Nội cũng cần có quy hoạch chi tiết cây xanh, phải tính xem bao nhiêu năm thì cây mới có tán, mới có độ che phủ. Phải xem cây đó 15 năm hay 20 năm, hay như cây Long não phải mất 50 – 60 năm mới có độ che phủ để có quy hoạch cho hợp lý, trong khi mùa hè đang đến trước mắt.
Thu Trang