Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển. Ảnh Trần Tĩnh - TTXVN |
Theo phản ánh của người dân từ ngày 8/4/2016 cá ở khu vực bờ biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình chết hàng loạt, những ngày sau đó hiện tượng này lan tới Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra với vùng biển này; và nói chung cá chết trên một vùng biển rộng như vậy cũng chưa từng xảy ra tại nước ta. Có thể nói tác động của hiện tượng bất thường này là rất lớn không chỉ đối với các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên- Huế mà gây sự chú ý đặc biệt với dư luận cả nước. Bởi vì trong những ngày qua, tại vùng biển giàu tiềm năng về thủy hải sản và du lịch này ngư dân đã đưa thuyền vào bờ, người nuôi cá bè bỗng trắng tay sau một đêm, các khu du lịch đìu hiu vắng khách. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không được ăn cá chết, không sử dụng cá chết làm thức ăn chăn nuôi trong khi chưa tìm ra nguyên nhân làm cá chết.
Lần đầu tiên những con người sống chết vì biển đã nhìn biển với cái nhìn đầy nghi ngại và lo âu về những thiệt hại và khó khăn đang tác động mạnh vào đời sống thường nhật. Cộng đồng chia sẻ và đồng cảm với những người dân bám biển khi mà môi trường mưu sinh của họ đã không còn an toàn. Bản thân họ - những con người làm chủ biển khơi - đã đi tìm câu trả lời, cũng là tìm ra cái lý của sự sinh tồn khi mà các cơ quan chuyên môn chưa có các kết luận khoa học ngoài việc xác định các loài cá chết nằm ở tầng đáy hoặc trong các rạn san hô; cũng có nghĩa là khu vực cá bị chết là rất sâu và rộng. Điều đó khiến người ta suy đoán đến môi trường bị ảnh hưởng là rất lớn.
Bằng kinh nghiệm nghề biển, cả đánh bắt và nuôi thả, ngư dân đặt mọi nghi ngờ vào những nơi xả nước ra biển, đó là các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất ven biển; đặc biệt là các khu công nghiệp lớn như Vũng Áng hay khu gang thép Formosa ở Hà Tĩnh. Tại khu vực biển Vũng Áng, theo ý kiến của người dân nuôi thủy sản thì trước năm 2015 không có hiện tượng cá chết. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện thông tin từ người trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội khẳng định cá chết không liên quan gì tới công ty này vì nhà máy chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó lại có thông tin rằng, một người thợ lặn bắt cá phát hiện đến 3 đường ống dưới biển sâu 20 mét quanh khu vực Forrmosa xả nước màu vàng. Nhiều ngày qua đã có luồng dư luận đặt vấn đề rằng, phải chăng cá bị nhiễm độc chết từ vùng biển Hà Tĩnh rồi theo dòng hải lưu trôi dạt vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế hay là cá bị nhiễm độc chết tại ngay tại vùng biển của 4 tỉnh này?
Hai câu hỏi lớn đặt ra là cá chết do ô nhiễm từ chất thải công nghiệp hay vì một nguyên nhân nào khác do biển đổi khí hậu. Dư luận cả nước nói chung và người dân trong vùng muốn các cơ quan chức năng sớm trả lời rõ nguyên nhân cá chết là thiên tai hay nhân họa; và cần chính quyền có các biện pháp ứng phó hay xử lý vấn đề sau khi các nguyên nhân được xác định. Một số ý kiến đặt vấn đề rằng nếu việc cá biển chết hàng loạt là do một số loài không thích nghi với môi trường do biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ tránh được một vụ scandal về ô nhiễm môi trường kiểu VEDAN đối với sông Thị Vải mấy năm trước! Điều này sẽ làm yên lòng dư luận hơn về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta.
Chưa có câu trả lời kịp thời (nếu không muốn nói là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là chậm trễ) nên tác động tiêu cực ngày càng thêm nặng nề khi mà thị trường cung cấp và tiêu thụ cá biển gần như bị “đóng băng” trong khu vực 4 tỉnh bắc miền Trung; và những nghi ngại về sản phẩm cá biển đang lan tỏa ra các vùng khác trong cả nước khi người tiêu dùng lo mua nhầm cá bị nhiễm độc; đặc biệt là du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang tới gần sẽ gây tâm lý lo ngại về môi trường biển với du khách khi tới các vùng biển 4 tỉnh nêu trên.
Rõ ràng là khi mà các kết luận chính thức của các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa được đưa ra thì những lo ngại của ngư dân, của người nuôi trồng thủy sản trong khu vực ngày càng lớn dần; thị trường cung cầu cá biển và dư luận của cả nước đang có nhiều suy đoán trái ngược tác động tiêu cực vào đời sống của nhân dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, xã hội.